Cùng bàn luận

RA ĐƯỜNG!

Thứ Tư, 11/08/2021 | 17:38

Ra đường là nhu cầu tự nhiên của mỗi người. Ra đường để vui chơi, giải trí, để giao lưu, gặp gỡ bạn bè, để mưu sinh, lao động, học tập… Nói tóm lại, đó là nhu cầu tất yếu như một lẽ tự nhiên không thể thiếu trong đời sống con người - “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” mà!

Tuy nhiên, cái việc “tự nhiên, tất yếu” đó là nói trong “thời bình” - cái thời không gian chưa quá “chật hẹp” bởi khí bụi, hơi thở còn được “thụ hưởng” bởi không khí trong lành… Còn giờ đây, khi tên giết người thầm lặng - virus Corona xuất hiện, bủa vây, hoành hành khắp cả hành tinh - Việt Nam ta lại đang trong giai đoạn bùng phát dịch (đến nay Việt Nam có trên 200.000 người phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 và số người tử vong đã lên đến vài ngàn) đe dọa, tàn phá đến sức khỏe, mạng sống của nhiều người, thì việc “tự nhiên” không thể… tự nhiên. “Tất yếu” không thể… tất yếu được nữa. “Đi một ngày đàng” giờ đây không phải học một sàng khôn mà “hít một sàng… virus”! Vì vậy, về mặt pháp luật, “ra đường” không còn là sự lựa chọn mà là sự nghiêm khắc, bắt buộc với tất cả mọi người, Chỉ thị giãn cách xã hội khi dịch bùng phát yêu cầu “ai ở đâu, ở đó”, hạn chế đến mức thấp nhất việc ra đường khi không thật sự cần thiết - nhất là khoảng thời gian từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau để hạn chế, tránh tiếp xúc người với người, gia đình với gia đình… đảm bảo khoảng cách, cự ly… an toàn. Về mặt khoa học, tránh ra đường là “ta tự tránh cho ta một tai nạn đã được dự báo trước”. Khi dịch bùng phát thì con virus hiểm ác (nhất là biến thể Delta) có thể xuất hiện dày đặc, lơ lửng đâu đó trong bầu không khí, trong khoảng cách gần, trong hơi thở, giọt bắn của bất kỳ ai… Do vậy, ra đường lúc này, bạn có thể vừa là nạn nhân, có thể vừa là người “vô tình” phát tán, lan truyền virus cho người khác khi không khí đã bị “ô nhiễm” bởi COVID-19!

Thời buổi biến thể Delta bùng phát có thể còn bao nhiêu thứ “vô tình” khác khi ra đường. Ai biết được “… trên đường đời tất nập, ta vô tình đi lướt… F0” như câu thơ ví von mà rất thật với cuộc sống hiện tại. “Vô tình đi lướt F0, vô tình đứng cạnh F0, hay “vô tình” ta mới chính F0”… là hoàn toàn có thể!

Biết vậy, lo lắng vậy, thậm chí hoang mang. Nhưng ra đường vẫn… ra đường?

Mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi thị sát ở Quận 8 và TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đã nhắc nhở việc người dân vẫn còn ra đường nhiều, xe cộ vẫn “ầm ầm” ngay khi chủ trương giãn cách xã hội, hiện tượng “ngoài chặt, trong lỏng” trong kiểm soát dịch khá phổ biến!

Người ta có hàng ngàn lý do đổ ra đường: Ra đường để… dạo mát, ra đường để đá vài đường bóng cho đỡ mệt, ra đường để câu cá… giải khuây! Ấy vậy mà khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra, tất cả họ đều cho mình có “lý do chính đáng” - Thật như đùa!

Số khác nữa thì mới 2, 3 giờ sáng đã rủ nhau “đi tập thể dục”, đi “mua thức ăn cho nhỏ em” ở tận phường bạn, hay dắt chó… đi dạo, và tất nhiên là không đeo khẩu trang phòng bệnh vẫn “tự thấy... chính đáng”?!

Ừ, thì “chính đáng” để ngụy biện cho bản thân, còn nếu đem so với những quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì những hành vi này có “đỏ mắt” cũng không tìm đâu ra những từ khóa chứa các danh mục như: Thiết yếu - cấp bách - thuốc men - cấp cứu… là những yếu tố Chỉ thị 16 cho phép… ra đường.

Nhân đây cũng xin nhắc lại những chiêu trò, những hành vi phản cảm mà mạng xã hội đã đăng tải cách đây chưa lâu. Đó là nhóm 5, 7 người đã “sáng kiến” một kiểu “ra đường… tại chỗ”, tụ tập nhau trên mạng, tổ chức nhậu online qua hình thức livestream lần lượt từng bợm nhậu… Điều đáng nói là những người tham gia có vẻ hả hê như mình vừa mới… “lách luật thành công”! Đúng là về mặt luật, không có gì sai, nhưng về phong cách, hình ảnh thì rất… phản cảm - nhất là trong lúc giãn cách để phòng dịch.

Rồi cũng mới đây mạng xã hội dậy sóng một vụ ăn nhậu khác, không phải “nhậu trực tuyến” mà là “trực tiếp” cũng trong thời gian giãn cách. Họ “trực tiếp” ngay ở phía trong cánh cửa cuốn nằm cạnh mặt đường. Khi tổ tuần tra phòng dịch phát hiện, đẩy cửa lên, có đến 8, 9 bợm nhậu ngơ ngác cứ tưởng mình “đi mây về gió”. Phản cảm hơn, một bợm nhậu trong số họ còn thản nhiên cầm ly bia lên nốc cạn, không “bỏ sót quận nào” theo đúng luật chơi dù tổ kiểm tra đang lập biên bản! Tất nhiên nhóm này đã bị xử phạt hành chính với số tiền không ít…

Ra đường trong thời gian giãn cách xã hội trong “khung giờ cứng” (từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau) không có lý do chính đáng thì chỉ để “thỏa mãn” nhu cầu cá nhân (các nhóm nhậu vừa nêu chẳng hạn) là hành vi không tuân thủ các quy định giãn cách phòng dịch.

Điều đáng buồn là những “hành vi không phù hợp” ấy lại lên đến số trăm, số ngàn trong thời gian giãn cách, ở khắp cả các tỉnh, thành với nhiều hình thức như: Lén lút tụ tập đánh bài, karaoke, đá gà, hút chích… mới đây nhất còn có việc giả danh Dân phòng để cưỡng đoạt tiền người đi đường như vụ 6 thanh niên ở Hà Nội khi họ vi phạm quy định phòng dịch. Vì vậy mà ranh giới giữa hành vi vi phạm pháp luật và hành vi… “vô tội” rất mong manh khi … ra đường trong khung giờ cứng! Đứng sau hành vi vi phạm pháp luật, đó cũng chính là tác nhân trực tiếp gây ra sự lây lan dịch bệnh cho bản thân, cho cộng đồng, xã hội…

Tất cả những hành vi này suy đến cùng là sự cản trở, hủy hoại thành quả, công sức của bao người không quản khó nhọc, ngày đêm thức trắng, dốc sức dốc lòng, nỗ lực vượt bậc, sẵn sàng hy sinh xương máu, đối mặt hiểm nguy trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, đem lại sự sống, bình an cho mọi người…

Để kết thúc mấy dòng suy ngẫm này, xin được nhắc lại lời kêu gọi tha thiết của Bộ Y tế gửi đến mọi người trong cuộc chiến chống dịch: “Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Mỗi người dân cần phải cảnh giác cao độ, chấp hành nghiêm quy định về giãn cách; tuyệt đối tuân thủ và thực hiện đầy đủ các biện pháp “5K”, các hướng dẫn của Bộ Y tế. Kỷ luật, tuân thủ quy định chính là hành động nhân văn nhất lúc này để bảo vệ mình, bảo vệ người thân, cộng đồng và đất nước…”.

Vâng, ra đường hay “ở đâu, ở đó” trong giãn cách phòng chống dịch là lựa chọn… văn minh của người văn minh. Sự lựa chọn đúng đắn không chỉ chứng tỏ là người hiểu biết pháp luật mà còn là người triệt để tuân thủ pháp luật - Điều đó đã góp phần cùng đất nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.