Cùng bàn luận
Sự bền vững từ nền tảng gia đình
Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Nhất là khi những giá trị ấy đang có nguy cơ mai một dần trong một xã hội hiện đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển gia đình Việt Nam hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống văn hóa dân tộc. Cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trong đó có xét công nhận gia đình văn hóa; các phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc của các đoàn thể… đều hướng về mục tiêu bồi đắp nền tảng gia đình Việt ngày càng bền vững, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hình thành những tế bào khỏe mạnh cho một xã hội văn minh, phát triển.
Vào mấy chục năm trước, người ta không thể nghĩ về việc thanh niên có thể tự do sống chung với nhau mà không cần ràng buộc hôn nhân, việc những phụ nữ vốn chỉ quanh quẩn nơi bếp núc lại có thể tự giải phóng mình trong sự nghiệp và hôn nhân. Ngày nay, hơi thở hiện đại đã thổi vào từng nếp nhà, làm thay đổi những điều tưởng như bất di bất dịch trong mối quan hệ gia đình của người Việt. Sự thay đổi trong mỗi gia đình dẫn đến sự thay đổi trong nền tảng xã hội, gây ra những hệ lụy đáng tiếc như tình trạng nạo phá thai trong thanh niên, tình trạng bạo lực, sự phát triển ồ ạt các tệ nạn xã hội liên quan đến giới trẻ…
Vì vậy, những chủ trương, chính sách, những phong trào bảo vệ và xây dựng gia đình hạnh phúc cần phải hướng đến những vấn đề cụ thể đang và sẽ tác động đến sự bền vững của gia đình chứ không thể đề cập chung chung như người “ngoài ngõ”. Những chủ trương, chính sách, phong trào đó cũng phải xem việc giữ gìn sự bền vững của nền tảng gia đình như sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội thì mới mong đạt được hiệu quả thực tiễn.
T.L
- Cần nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động của UBND theo hướng phân cấp, phân quyền và làm việc theo chế độ thủ trưởng
- Chuyển Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu về Báo Bạc Liêu
- Công bố môn thi thứ 3 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026
- Bạc Liêu: Sôi nổi Ngày hội tòng quân năm 2025
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham gia thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội