Cùng bàn luận
Tạo điều kiện cho người dân tham gia đánh giá cán bộ
Một trong những điểm mới của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác!
Đánh giá cán bộ là một trong những khâu quan trọng nhất nhưng cũng là khâu yếu kém nhất trong công tác cán bộ - một nhận định đã được Trung ương và tỉnh đưa ra rất nhiều lần. Bởi khác với những khâu luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo - vốn có quy định cụ thể, rõ ràng thì khâu đánh giá cán bộ lại chưa có một hệ thống tiêu chí định lượng mà chủ yếu là định tính. Trong đánh giá cán bộ, dù về mặt lý thuyết đòi hỏi tính khách quan, công bằng, minh bạch, nhưng thực tế lại bị tình cảm chi phối phần nhiều. Rất nhiều ý kiến đã nói về sự nể nang, “được người được ta” trong công tác đánh giá cán bộ hàng năm, nhưng cuối cùng vẫn chưa có sự khắc phục có hiệu quả đáng kể nào. Vẫn rất nhiều cán bộ hàng năm được đánh giá cao, có nhiều hình thức khen thưởng của các cấp nhưng hóa ra trong số đó lại là cán bộ thoái hóa, biến chất. Không ít người tài cũng vì sự đánh giá chưa thật sự công bằng mà nản chí và tìm đến môi trường làm việc tốt hơn, làm cho bộ máy nhà nước hao hụt những nhân sự giỏi.
Vì vậy, việc Trung ương yêu cầu cụ thể hóa để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp chính là điểm nhấn quan trọng tạo ra sự đột phá trong công tác cán bộ. Phải để người dân - với cái nhìn khách quan, công bằng và thực chất về cán bộ cũng như hiệu quả công việc mà cán bộ thực thi - được tham gia trong quá trình đánh giá, từ đó hình thành một cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đánh giá, phân loại cán bộ. Một cơ chế rõ ràng, khoa học và thuận tiện để người dân được tham gia vào khâu quan trọng của công tác cán bộ sẽ giúp công tác này tăng thêm phần hiệu quả nên cần được xây dựng một cách nhanh chóng nhưng cũng phải thật bài bản, nghiêm túc. Những hình thức tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cán bộ cũng phải được tổ chức một cách chất lượng, đi vào thực chất chứ không chỉ đại khái, qua loa thì mới phát huy được hiệu quả một cách tốt nhất.
N.L
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ