Cùng bàn luận
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Tuần qua, Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương đã liên tục phát đi cảnh báo về tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang hằng ngày, hằng giờ tác động đến đời sống của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước…
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, lại là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu tác động lớn nhất của BĐKH trong tương lai. BĐKH còn tác động đến 28 tỉnh, thành phố ven biển và Đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, BĐKH vẫn còn khá xa lạ với nhiều người dân. Nhiều ngành liên quan trực tiếp đến BĐKH nhưng vẫn còn thờ ơ trước vấn đề cấp bách này. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã dẫn ra hàng loạt công việc phải làm như: Ngành Nông nghiệp phải tính toán, quy hoạch sản xuất và đời sống thế nào ở những vùng nhiễm mặn; ngành Giao thông phải xây dựng đường sá, cầu cống ra sao để không bị ngập; ngành Xây dựng quy hoạch như thế nào khi cả nước có 40% trong tổng số 700 đô thị bị tác động ngập…
BĐKH đang diễn ra hằng ngày. Chúng ta không quá hoang mang, lo lắng nhưng cũng không coi đó là chuyện của… trời. Vấn đề quan trọng và cấp bách nhất lúc này là phải thay đổi nhận thức không phải né tránh nó mà phải chung sống, phải thích ứng, phải phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH. Thích ứng trước hết là con người thay đổi những thói quen, thay đổi những quy trình sản xuất để giảm tác động của BĐKH. Tìm được những cơ hội của BĐKH cho phát triển sản xuất tốt hơn. Thích ứng với BĐKH phải thường trực cả trong nhận thức và hành động, phải được xem xét trong mọi kịch bản phát triển, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trên tất cả các lĩnh vực. Thích ứng với BĐKH phải là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Tuy nhiên, do nguồn lực của chúng ta có hạn nên cần xác định những dự án trọng tâm, trọng điểm, cấp bách. Để làm được việc này, cần rà soát lại quy hoạch từng vùng, từng ngành theo tinh thần thích ứng với BĐKH. Trên cơ sở đó, huy động các nguồn vốn để đầu tư và thực hiện giám sát chặt chẽ để tránh thất thoát.
BĐKH suy cho cùng cũng là do con người. Mỗi người chỉ cần làm những công việc rất đơn giản hằng ngày như: Không xả rác bừa bãi, sử dụng năng lượng hợp lý, tiết kiệm, trồng thêm cây xanh… là đã góp phần làm hạn chế tác động tiêu cực của BĐKH.
Đỗ Phú Thọ
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững