Cùng bàn luận
Thiêng liêng nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc
Đây là vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp và được nhiều đại biểu trích dẫn trong phiên họp ngày 19/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Trước đó, cũng tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có đại biểu đã đề xuất: “Có thể đóng tiền hoặc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự (NVQS) để bảo đảm sự công bằng đối với công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS”. Đề xuất này đã bị nhiều đại biểu bác bỏ với lập luận rằng: Nếu quy định nghĩa vụ thay thế NVQS thì sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng và NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân vốn đã thấm sâu vào trong tiềm thức của người dân Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013, văn bản pháp lý cao nhất hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Điều 45 đã hiến định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân… Công dân phải thực hiện NVQS và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Để cụ thể hóa hiến định này, dự án Luật NVQS (sửa đổi) đã có những quy định cụ thể về khái niệm NVQS: “NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; thực hiện NVQS bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Theo quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng được giao quản lý các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và có chức năng tiến hành các hoạt động quân sự để bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến và phòng thủ đất nước, quân đội phải được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh và các đơn vị quân đội phải được bố trí chiến lược trên các vùng, miền của đất nước. Do đó, việc tuyển chọn, huấn luyện quân sự phải do các đơn vị quân đội tổ chức thực hiện phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Việc phục vụ tại ngũ trong quân đội là lao động đặc biệt, đòi hỏi công dân phải chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, cần phải có chính sách thỏa đáng đối với công dân phục vụ tại ngũ trong quân đội. Vì thế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để bảo đảm thực thi theo quy định của Hiến pháp về nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, cần phải có những cơ chế bảo đảm và chế tài xử lý các sai phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện.
Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo của Ban soạn thảo, được sự đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan và toàn thể nhân dân, dự án Luật NVQS (sửa đổi) sẽ được chỉnh lý, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới.
Đỗ Phú Thọ
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững