Cùng bàn luận
Tội nghiệp người đánh máy
Những ngày gần đây, trên các diễn đàn của cộng đồng mạng xôn xao chuyện “lỗi đánh máy”. Hết tỉnh này, đến địa phương khác, công thức “sai sót ở khâu đánh máy” dường như đang được ưa chuộng để bào chữa cho sai sót nào đó của các cơ quan, đơn vị.
Cộng đồng mạng ví nghề đánh máy là “nghề nguy hiểm nhất Việt Nam hiện nay”, nghe buồn cười nhưng cũng quá xót xa. Có ai ngờ, cái công việc hiền lành, giản đơn kia, chỉ là chấp hành mệnh lệnh cấp trên nay đã trở thành cái cớ để người ta đổ lỗi cho những sai sót, những lỗi “sai rõ ràng” nhưng không đủ can đảm để nhận trách nhiệm. Điều buồn cười là ai cũng biết lỗi không thể nào ở khâu đánh máy, nhưng người ta thì vẫn cứ đổ tội cho cái việc đó. Bởi những người đổ lỗi, thường là quan chức đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cho rằng không ai dám “hoạnh họe” sau khi đã có nơi nhận trách nhiệm cho những sai sót của mình, nên các vị thôi thì cứ chọn đại một khâu nào đó mà quy tội. Và công đoạn được “chọn” chính là khâu đánh máy, vốn chẳng gây ảnh hưởng gì đến vị trí công tác và uy tín của các vị!
Cũng có nghĩa, những quan chức đó không đánh giá cao những suy nghĩ, nhìn nhận của xã hội. Cái thái độ xem thường dư luận đã có từ rất lâu, từ việc trốn tránh, thẳng thừng từ chối trả lời báo chí; đến bây giờ dù có đỡ hơn là nhận sai sót (dù không phải của mình) nhưng chung quy thì vẫn xem thường nhân dân. Họ cứ cho rằng khi đã đứng ra chỉ thẳng trách nhiệm dù thuộc về khâu đánh máy thì cũng đã đủ chứng tỏ là người thẳng thắn, và nhân dân sẽ vẫn tin tưởng vào họ. Nhưng niềm tin thì đâu chỉ xây dựng bằng lời nói, nhất là những lời ngụy biện mà ai cũng biết là không đúng, chỉ có những người đứng đầu được nói đúng! Và nhân dân cũng làm sao cứ tin tưởng vào công tác điều hành, quản lý của cơ quan quản lý khi cứ lòng vòng đổ tội cho cấp dưới trong khi bao nhiêu thành tích đều vơ cho cấp trên?
Nhiều người thắc mắc, sau khi không còn có thể đổ lỗi cho khâu đánh máy, những người có trách nhiệm sẽ tiếp tục vin vào cái cớ gì để trốn trách nhiệm của mình? Và đến khi nào thì sự thẳng thắn nhận trách nhiệm, dám làm dám chịu mới được xem trọng, nhân dân chắc còn phải đợi. Nên trước mắt, vẫn phải còn thương xót người đánh máy!
N.L
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững