Cùng bàn luận
Tránh tư duy cát cứ trong xây dựng kinh tế
Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với mức đầu tư tối đa là 2 triệu tỷ đồng. Bộ KH-ĐT tính toán, muốn thực hiện được kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, cần nguồn lực tài chính tới hơn 10,5 triệu tỷ đồng.
Đó là những khoản đầu tư khổng lồ. Nhưng liệu những số tiền khổng lồ ấy có tạo ra được thay đổi lớn trong chất lượng nền kinh tế hay không?
Trong những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nguồn lực Nhà nước, nguồn lực quốc gia dành cho phát triển kinh tế - xã hội luôn rất lớn. Điều đó đã giúp kinh tế đất nước có những bước phát triển vượt bậc. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, điểm hạn chế của kinh tế Việt Nam hiện nay là: Hiệu quả đầu tư chưa cao, nguồn lực còn bị phân tán. Khi bàn về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu cốt lõi để tái cơ cấu thành công chính là các bộ, ngành, địa phương phải hy sinh những lợi ích cục bộ của mình, hành động vì lợi ích chung của quốc gia.
Chính bởi tâm thế cát cứ mà theo Bộ KH-ĐT, hiện nước ta có tới gần 20.000 bản quy hoạch, trong đó có một lượng không nhỏ quy hoạch chồng chéo nhau, cái này giẫm lên cái kia, cái này phủ định cái kia. Đó là bởi các quy hoạch ấy bị khu biệt, thiếu sự liên thông chặt chẽ trong một tổng thể chung. Một lớp cán bộ mới lên ở bộ nọ, địa phương kia thì có thể các bản quy hoạch lại được xem xét thay đổi cho phù hợp với những người mới... Thực trạng quy hoạch ấy gây lúng túng, khó khăn, thiệt hại cho nền kinh tế, cho cả xã hội.
Tư duy cát cứ cũng ảnh hưởng trong các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn tới những hành động đơn độc, riêng rẽ, thiếu gắn kết, dẫn tới lãng phí nguồn lực. Một nền kinh tế muốn nâng cao hơn nữa tính hiệu quả thì các nguồn lực phải được đầu tư đúng địa chỉ, đúng thời điểm, đúng liều lượng. Muốn thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý kinh tế theo hướng bỏ bớt các khâu trung gian. Đồng thời, tư duy, cách thức quản lý nền kinh tế nên đề cao hơn nữa tính tập trung, bao quát, thống nhất, xuyên suốt, thể hiện trong việc quy hoạch, chọn đúng dự án cấp thiết để đầu tư. Tránh được tư duy cát cứ trong xây dựng kinh tế cũng chính là cách để nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tốc độ triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ, tránh lãng phí nguồn lực.
HỒ QUANG PHƯƠNG
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ