Cùng bàn luận

“Trực tuyến hóa” thủ tục hành chính”

Thứ Sáu, 23/10/2015 | 15:45

Một trong những sự kiện mà người dân đặc biệt quan tâm trong tuần qua là Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Theo Nghị quyết này, đến hết năm 2016, các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.

Như vậy, đến cuối năm sau, ước nguyện “trực tuyến hóa” thủ tục hành chính (TTHC) của rất nhiều người dân và doanh nghiệp sẽ thành hiện thực. Thực tế trong thời gian qua, một số ngành và địa phương đã áp dụng thành công mô hình “trực tuyến hóa” TTHC. Ngành Hải quan có “thông quan điện tử”, ngành Thuế có “nộp thuế điện tử”... Nhờ ứng dụng công nghệ - thông tin và truyền thông (ICT), việc “trực tuyến hóa” các TTHC là bước đột phá để các cơ quan nhà nước làm việc hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. “Trực tuyến hóa” TTHC còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân và các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, con đường đến “trực tuyến hóa” TTHC không hề bằng phẳng. Trước hết, “trực tuyến hóa” TTHC không đơn thuần là máy tính, mạng Internet mà quan trọng nhất là sự đổi mới toàn diện các quan hệ (đặc biệt là quan hệ giữa các cơ quan công quyền và công dân), các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động của quy trình này. Một bộ phận dân cư vẫn chưa quen với máy tính điện tử, chưa thể sử dụng mạng Internet, vì thế, rất cần có những công chức, viên chức hướng dẫn họ thực hiện…

Mặt khác, việc “trực tuyến hóa” TTHC sẽ tăng chi phí an ninh cho các cơ quan công quyền. Để bảo vệ sự riêng tư và thông tin mật của dữ liệu sẽ phải có các biện pháp bảo mật (để chống các sự tấn công, xâm nhập, ăn cắp dữ liệu từ bên ngoài, hay của các hacker), bảo đảm sự quản lý thông tin cá nhân không bị các cơ quan nhà nước lạm dụng trái Hiến pháp và bảo vệ người dân cũng như cung cấp thông tin cho người dân. Tại Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính liên tục được thay đổi, đòi hỏi hệ thống trực tuyến TTHC cũng phải thường xuyên cập nhật và nâng cấp liên tục, để thích ứng với công nghệ mới…

Hy vọng những hạn chế, bất cập nói trên sẽ được các cơ quan chức năng của Nhà nước nghiên cứu, có giải pháp khắc phục. Vấn đề quan trọng và cấp bách lúc này là phải khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý để vận hành trực tuyến TTHC.

Đỗ Phú Thọ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.