Cùng bàn luận
Từ nghị trường đến cuộc sống
Tại kỳ họp vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo phương thức mới. Theo nhận xét của Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân: “Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, hỏi ngắn, đáp gọn tại kỳ họp lần này có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đồng tình, đánh giá cao”.
"Thời gian thấm thoát thoi đưa”, nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV đã đi được gần nửa chặng đường. Trong hơn 2 năm qua, cử tri đã ghi nhận những cố gắng nỗ lực của các đại biểu Quốc hội mang hơi thở từ cuộc sống vào nghị trường và góp phần rút ngắn khoảng cách từ nghị trường tới cuộc sống. Nhiều lời hứa của đại biểu Quốc hội khi tranh cử đã trở thành hiện thực. Đại đa số những “lời hứa từ nghị trường” cũng đã đi vào hiện thực trong cuộc sống. Nhiều nghị quyết của Quốc hội đã vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước, tạo niềm tin vững chắc cho cử tri.
Tuy nhiên, cử tri cũng không khỏi băn khoăn trước một số đại biểu Quốc hội ít khi phát biểu trong các phiên thảo luận ở tổ và thảo luận chung tại hội trường. Lời hứa của một số ứng cử viên đại biểu Quốc hội trước khi bầu cử chưa trở thành hiện thực sau khi đã trúng cử; từ nghị trường đến cuộc sống vẫn còn khoảng cách; một số nghị quyết, luật do Quốc hội ban hành chậm đi vào cuộc sống. Ngay tại kỳ họp Quốc hội này vẫn còn một số nội dung chất vấn xuất hiện từ nhiều kỳ họp trước nhưng vì chuyển biến còn chậm, hoặc chưa được giải quyết nên các đại biểu phải chất vấn lại.
Điều mà đông đảo cử tri quan tâm là nghị trường phải mang hơi thở của cuộc sống và các quyết sách từ nghị trường phải đi nhanh vào cuộc sống. Muốn vậy, các đại biểu của dân phải gắn bó chặt chẽ hơn với dân, mang tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân vào Quốc hội; thẳng thắn thảo luận, tranh luận tại Quốc hội trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, phù hợp với lợi ích tối cao của dân tộc. Khi Quốc hội đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu Quốc hội phải giám sát việc thực hiện, nếu phát hiện các vướng mắc, phải kiến nghị giải quyết ngay.
Song hành với một Chính phủ hành động phải là một Quốc hội hành động. Hành động ngay từ nghị trường, bàn bạc hay thảo luận về một vấn đề cần cụ thể hóa giải pháp, phương án triển khai và giám sát. Từ đó, công tác xây dựng hệ thống luật pháp phải dự báo, đón đầu những vấn đề của thực tiễn, đảm bảo luật đi được vào cuộc sống.
ĐỖ PHÚ THỌ
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ