Cùng bàn luận
Tuổi trẻ và cơ hội
Cơ hội muốn nói ở đây là cơ hội theo nghĩa trong sáng nhất, tích cực nhất. Nói cụ thể hơn: Cơ hội là những gì chúng ta “có thể nắm bắt được” nhằm làm thay đổi cuộc sống chúng ta theo chiều hướng tốt hơn. Theo “định nghĩa” này, cần lưu ý đến cụm từ “có thể” và “chiều hướng tốt hơn”. Chỉ có “chiều hướng tốt hơn” mới gọi là cơ hội. Nhưng cái tốt hơn phải phù hợp với hoàn cảnh, chuẩn mực đạo đức, nguyên tắc sống đã được xác lập… Cũng cần xác định rõ điều này! Không phải khi nhìn thấy cơ hội là kết quả nằm trong tay ta ngay, mà là cả một quá trình nỗ lực rèn luyện, sự chuẩn bị công phu, tích lũy kinh nghiệm để “vượt lên chính mình”… Tuổi trẻ là điều kiện tốt nhất để ta nắm lấy cơ hội đó.
Ở đây cũng cần xác định tinh thần là: Khởi đầu mọi việc ta làm sẽ không thể hoàn hảo ngay lập tức. Nhưng nếu không bắt đầu ngay khi tuổi trẻ, mọi thứ sẽ mãi mãi là con số không. Cuộc sống không chờ đợi ta chững lại, suy nghĩ, đắn đo với những khả năng may mắn trong khi bao người khác đang nhiệt huyết, lan tỏa đam mê không ngừng nghỉ. Chỉ khi không ngần ngại thất bại, ta mới có thể thành công được.
Một thực tế rất rõ ràng trong cuộc sống: Đã có không ít người trẻ bằng nguồn năng lượng căng tràn, họ tự tạo ra những cơ hội cho chính mình. Cho dù chưa thành công, không thành công… họ vẫn gặt hái được những trải nghiệm, những bài học điểm tô cho khoảng thời gian tuổi trẻ thêm phần sâu sắc.
Có câu: “Người thành công sẽ không bao giờ thụ động chờ cơ hội gõ cửa”. Họ chủ động xông pha để tự tìm kiếm cơ hội, luôn sẵn sàng nắm bắt và đủ bản lĩnh để “đối mặt với khó khăn”. Khi biết tạo ra cơ hội cho mình và biết nắm bắt cơ hội đó là ta đang thử sức mình, tôi luyện mình trở nên nghị lực - một yếu tố không thể thiếu của thành công.
Tuy nhiên, thường là khi trẻ người ta hay bỏ qua cơ hội vì nghĩ rằng bản thân chưa đủ kinh nghiệm. Khi trưởng thành thì đổ lỗi tuổi tác không còn trẻ nữa và có nhiều thứ phải lo. Kết quả là cả một đời không làm gì cả!?
Vì vậy, nhận thức là điều vô cùng quan trọng. Chỉ có nhận thức đúng mới nhìn thấy cơ hội và kiểm soát các cơ hội đang có xung quanh ta. Và đừng để phải nói lời “giá như” trong bất cứ hoàn cảnh nào - vì “giá như” là đã muộn, là đã tuột mất khỏi tầm tay… Hãy bắt tay hành động ngay khi có thể cho dù chỉ là ý tưởng nhen nhúm.
Nên nhớ rằng, dù có giỏi giang đến đâu, nhưng không biết chủ động tìm kiếm cơ hội thì cơ hội cũng sẽ không đến. Cơ hội tuyệt vời chỉ đến với ta khi ta đủ kiên trì, bản lĩnh, nhẫn nại… tìm kiếm nó. Đừng ngại thử sức mình với những điều mới mẻ. Đừng ngại phiêu lưu, thậm chí là mạo hiểm để thỏa sức sáng tạo - vấp ngã thì mạnh dạn đứng lên. Hãy “dám chọn những cái lắc đầu khắt khe để có cái gật đầu khi bước ra thế giới”. Hãy tránh những nỗi buồn hối tiếc vì mình đã lãng phí thời gian, lãng phí tuổi trẻ, lãng phí những cơ hội mà lẽ ra mình có được… Nhưng nó lại bị đánh rơi do sự thờ ơ, vô cảm với tuổi trẻ của chính mình!
Hãy ước mơ dù xa hoa hay bình dị để tạo cho mình một cơ hội. Cơ hội ấy sẽ là tấm vé thông hành giúp ta sớm đạt được những ước mơ, những dự định còn đang ấp ủ. Dù có thể thành công, có thể thất bại, nhưng đừng lo vì tuổi trẻ luôn tạo mọi điều kiện để ta phát huy hết sự cố gắng và cơ hội để nắm bắt từ đầu. Hãy yên tâm: Khi tuổi trẻ còn thì cơ hội còn. Điều quan trọng nhất là ta phải tích cực khai thác nó, để tận dụng nó theo cách riêng của mình…
Việc “khai thác” cơ hội còn phụ thuộc vào sự cố gắng học hỏi, trau dồi và cải thiện những kỹ năng của bản thân. Có như thế, cơ hội của ta mới thật sự có ý nghĩa. Nhà sư Thích Nhất Hạnh từng dạy: “Mỗi lần ngã là một lần đứng dậy. Để cuộc đời nhường một bước đi lên”.
Vâng, cơ hội luôn gắn liền với tuổi trẻ. Khi ta biết quý trọng tuổi trẻ, hiểu được giá trị thật sự của nó, biết trân trọng nó thì ta cũng biết yêu quý những cơ hội của mình. Có thể nói: “Tuổi trẻ là thanh xuân vàng, là khoảng thời gian sống tuyệt vời nhất để ta tạo ra cơ hội”…
Hãy trân trọng và tận dụng tối đa tuổi trẻ để tạo ra cơ hội cho chính cuộc đời mình!
N.N.K (bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)