Cùng bàn luận
Tượng đài của niềm tin
Với tấm lòng ngưỡng mộ, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu, từ ngày Bác qua đời (2/9/1969) đến nay, đã có nhiều địa phương trong cả nước xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở những nơi trang trọng.
Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, hiện cả nước có 103 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên trụ sở các cơ quan, đơn vị. Trong đó có 45 Tượng đài “Bác Hồ với Bộ đội Biên phòng” được đặt trong khuôn viên 45 đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ngoài ra, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được xây dựng ở 15 nước thuộc nhiều châu lục như: Nga, Pháp, Anh, Cuba, Thái Lan, Mông Cổ… Riêng tại nước Nga có tới 3 địa điểm xây dựng Tượng đài Bác Hồ. Số lượng tượng đài trên cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim nhân dân Việt Nam mà còn được nhân dân nhiều nước trên thế giới kính yêu, mến mộ.
Sinh thời, Bác Hồ không mong muốn dựng tượng mình để đặt ở nơi công cộng, ngoại trừ duy nhất một lần ra thăm đảo Cô Tô (Quảng Ninh) năm 1965, Người đồng ý để bà con nơi đây dựng tượng mình. Tuy vậy, với tình cảm tôn kính, tri ân công đức trời biển của Bác, mong muốn xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các địa phương, ban, ngành, cơ quan, đơn vị… ngày càng nhiều. Tại cuộc Hội thảo “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030” do Bộ VH-TT&DL tổ chức mới đây, nhiều nhà văn hóa, kiến trúc sư, nhà quản lý mỹ thuật đã khẳng định: Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ là cần thiết. Bởi Tượng đài Bác Hồ không chỉ là công trình văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống, cách mạng mà còn đáp ứng nhu cầu tình cảm tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.
Theo Quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, tượng Bác sẽ được ưu tiên xây dựng ở những địa phương gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, với cuộc đời và sự nghiệp của Bác; những nơi ghi đậm dấu ấn hoạt động cách mạng của Bác và ở một số địa phương có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Những khuôn viên đặt Tượng đài Bác Hồ sẽ trở thành không gian văn hóa đặc biệt để tiếp thêm ngọn lửa truyền thống, giáo dục lịch sử, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Trong tiềm thức sâu xa của chúng ta, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh, tượng Bác, mỗi người như cảm nhận, như tự nhủ lòng mình phải nỗ lực học tập tốt hơn, tu dưỡng bền bỉ hơn, rèn luyện nghiêm túc hơn để xứng đáng là con cháu của Bác, xứng đáng là người kế tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác đã để lại cho hôm nay và mai sau.
Thu Thảo
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững