Cùng bàn luận
Văn hóa nhà báo
Nói về văn hóa thì có rất nhiều điều đáng bàn. Đối với “cánh” nhà báo, những người được xem là tầng lớp trí thức, người nắm bắt thông tin nhanh nhất thì văn hóa trong nghề nghiệp, trong ứng xử xã hội, quá trình tiếp cận nguồn tin, tiếp cận công chúng và sáng tạo ra tác phẩm báo chí lại càng quan trọng.
Quá trình làm nghề, văn hóa của nhà báo có thể bộc lộ qua nhiều yếu tố, trong đó bao gồm nhà báo có kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, biết cách giao tiếp nhã nhặn với nguồn tin và biết đặt công chúng lên hàng đầu khi viết bài. Từ những yếu tố này, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ giỏi sẽ là nền tảng vững chắc để nhà báo hoạt động và cho ra tác phẩm báo chí chất lượng.
Thời làm báo công nghệ như hiện nay, đáng buồn là đã có không ít ý kiến cho rằng, uy tín của nhà báo và báo chí nói chung đang dần bị tụt giảm so với những tiền bối làm báo trước đây. Nguyên nhân một phần là do có cá nhân nhà báo xem nhẹ việc xây dựng phong cách, hình ảnh bản thân trước công chúng. Ở họ, hiếm nhìn thấy thái độ tích cực khi làm báo, nhất là ứng xử đúng mực trước những người tiếp xúc, trước đám đông sự kiện, tránh xa những hành động quá lố hay thô kệch. Có nhà báo kể rằng, về công tác ở cơ sở, dù không muốn nhưng đã tình cờ nghe được lời nhận xét không mấy thiện cảm của người dân nơi này về đồng nghiệp của mình. Có lẽ, vị đồng nghiệp này đã quá “xuề xòa” khi đối diện với đám đông, từ cách đi lại, ăn uống, giao lưu… từ đó để lại ấn tượng không tốt. Cũng có những kiểu “phiền” khác về nhà báo, như tự “vạch áo cho người xem lưng”, đem chuyện tế nhị của cơ quan, đồng nghiệp đi “phát tán” khắp nơi gây biến dạng hoàn toàn vấn đề. Thậm chí còn là cách tự vẽ “oai hùm” cho mình trước đám đông theo phong cách mình là trung tâm, nâng vị thế của bản thân lên bằng cách hạ uy tín, vai trò của những người làm báo khác.
Làm báo, xây dựng được mối quan hệ thân thiết với các cơ quan, địa bàn được xem là một trong những thành công, góp phần củng cố uy tín của nhà báo. Tuy nhiên, “thân” đến mức kéo theo nhiều hệ quả xấu thì quả là không nên chút nào. Ngày nay, làm báo thời… kinh tế thị trường, đã xuất hiện hiện tượng người làm báo trông chờ “lợi ích” sau những bài báo hoặc những chuyến công tác của mình.
Nhà báo có văn hóa, nói lớn lao thì đây là vấn đề rộng, cần nhiều ý kiến tranh luận, xây dựng nhưng nếu nói đơn giản thì đây là yếu tố cơ bản cần có của người làm báo. Trong các hoạt động báo chí, việc biết kết hợp đúng mực giữa nghiệp vụ báo chí và kỹ năng giao tiếp sẽ tạo điều kiện cho nhà báo đạt được hiệu quả trong quá trình làm báo và kể cả sự nghiệp. Nhà báo luôn giữ cho mình sự tự tôn, kết hợp cùng khả năng giao tiếp tốt thì càng thu nạp được nhiều thông tin, truyền tải đến độc giả càng hiệu quả. Tính năng động, nhiệt tình cộng với trách nhiệm, đạo đức trong sáng của nhà báo khi tiếp cận với sự kiện báo chí, nguồn tin, công chúng và không ngừng nghiên cứu tìm tòi, chắc hẳn sẽ sáng tạo ra những tác phẩm báo chí mang dấu ấn riêng giúp nhà báo khẳng định tên tuổi và vị trí của mình trong làng báo.
Thanh Hải
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững