Cùng bàn luận
Vốn Nhà nước không phải “tiền chùa”
Ngày 28/5, Quốc hội xem xét việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây là một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp này.
Vấn đề quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN đã từng làm “nóng” diễn đàn Quốc hội. Có đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thẳng thắn nói rằng: “Vốn Nhà nước không phải “tiền chùa” mà lãnh đạo doanh nghiệp muốn làm gì thì làm”. Rất nhiều dự án do doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư bị “đắp chiếu”, nhiều công trình xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước “đặt sai địa điểm”, chất lượng kém, như chợ để... nuôi bò; trường học trở thành nơi trồng cỏ; nhà máy nước sạch mà không có nước...
Cử tri hy vọng “tảng băng chìm” về quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được phát hiện qua sự giám sát của các ĐBQH. Các vấn đề bức xúc xung quanh việc quản lý vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, như: Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn của DNNN cao, nhiều khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả; số lượng DNNN cổ phần hóa cao nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước bán ra lại thấp, xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là hiện tượng như doanh nghiệp “ôm đất vàng” khi cổ phần hóa gây thất thoát ngân sách... sẽ được lý giải thấu đáo.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp hiện nay, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần nâng cao năng lực ở cả ba khâu là quản lý vốn từ phía chủ sở hữu, tạo môi trường nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giám sát hiệu quả sử dụng vốn. Trong đó, cần thực hiện công khai minh bạch đối với việc sử dụng vốn Nhà nước và công tác quản lý của các khâu trong mô hình quản lý. Xử lý kịp thời cán bộ, công chức, viên chức gây thất thoát, lãng phí vốn và tài sản của Nhà nước. Khi ấy, tâm lý coi vốn Nhà nước là “tiền chùa”, tài sản Nhà nước là “tài sản chùa” sẽ bị triệt tiêu.
Đồng thời, các bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố và hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty cần quyết liệt thực hiện triển khai sắp xếp các doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Cử tri đang đặt niềm tin vào các giải pháp mà các ĐBQH đưa ra sẽ mang tính khả thi cao và sẽ sớm được chuyển hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật để siết chặt hơn việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa DNNN.
ĐỖ PHÚ THỌ
- Thành phố Bạc Liêu tiếp công dân định kỳ tháng 4
- Phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu: Tổ chức hội thi “Bé khéo tay”
- Huyện Hồng Dân: Khánh thành cầu Đường Trâu và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
- Bạc Liêu thăm TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Trường đại học Bạc Liêu: Hơn 500 vận động viên tham gia Hội thao sinh viên