Cùng bàn luận

Xóa đói, giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu, 21/10/2016 | 15:23

Trên bình diện thế giới, Việt Nam được coi là quốc gia điển hình về thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong khi tại nhiều nước, cái đói, cái nghèo vẫn là nỗi ám ảnh triền miên, chưa tìm thấy lối thoát thì nước ta đã sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về xóa đói nghèo.

Thế nhưng, không vì thế mà chúng ta quên rằng, tại Việt Nam vẫn còn 41 huyện có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số mới chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Vào những giai đoạn giáp hạt hay sau mỗi trận bão, lũ, gạo dự trữ quốc gia vẫn phải chuyển đến các vùng quê nghèo để cứu đói. Chúng ta cũng không thể quên một thực tế rằng, nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bão lũ, thiên tai ngày một khắc nghiệt. Trong những ngày này, mưa lũ cũng đang gây hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Và sau mỗi trận thiên tai như vậy, nỗ lực thoát nghèo của không ít gia đình, địa phương lại trở thành con số không. Cùng với đó, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hay những cao nguyên bạt ngàn cây công nghiệp đang chịu những tác động tiêu cực ngày càng rõ ràng hơn của quá trình biến đổi khí hậu và vấn đề điều tiết nguồn nước liên quốc gia, dẫn tới sự suy giảm năng suất, sản lượng.

Vì thế, trong mọi hoạch định chính sách của nước ta, vấn đề xóa đói nghèo, bảo đảm đủ lương thực cho dân số đang dần tiến đến ngưỡng 100 triệu người, luôn phải là công việc thường xuyên, liên tục, phải luôn được ưu tiên hàng đầu. Xã hội vẫn luôn phát triển, mức sống trong xã hội luôn được nâng lên. Vì thế, “chuẩn nghèo” cần phải luôn được nâng lên, theo hướng giảm nghèo đa chiều. Tức là người nghèo không chỉ cần có cái ăn, cái mặc mà còn cần được chăm sóc tốt về y tế, cần được học hành đầy đủ, cần được đáp ứng nhu cầu thông tin, cần được giao lưu văn hóa để mở rộng tầm nhìn, có cơ hội để phát triển, bứt ra khỏi nghèo nàn.

Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo hiệu quả cao như: Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 30a... Trong đó, thực tế đã chứng minh, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước không thể đủ cho nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo lớn lao này mà cần phải có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn xã hội.

Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, có hai đối tượng sau đây cần phải nâng cao hơn nữa vai trò, sự quyết tâm, tính chủ động, sáng tạo trong việc thoát nghèo và hỗ trợ thoát nghèo, đó là: Cán bộ, chính quyền địa phương ở các cấp và bản thân người nghèo. Thực tế cũng đã cho thấy rằng, ở đâu cán bộ, chính quyền địa phương từ cấp thôn, bản, xã, phường, quận, huyện, rồi lên đến tỉnh, thành phố quan tâm, sâu sát, luôn đau đáu tìm giải pháp giúp đỡ người nghèo thì ở địa phương đó sẽ thoát nghèo nhanh hơn. Nếu người nghèo luôn có ý thức, nỗ lực vươn lên, chớp lấy những cơ hội để thoát nghèo thì chắc chắn cuộc sống của họ sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.