Cùng bàn luận
Xử phạt “nghiêm” nhưng phải “minh”
Bắt đầu từ ngày 1/8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực. Chỉ sau 1 ngày triển khai xử phạt theo Nghị định này, cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước đã xử phạt hàng ngàn vụ vi phạm…
Nghị định 46 có nhiều điểm mới, trong đó mở rộng mức phạt và nâng cao chế tài với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tập trung vào việc hạn chế những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) như: Vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, không chấp hành quy tắc giao thông, chở quá tải... Điển hình như, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự như ô tô vi phạm quy định nồng độ cồn, mức phạt từ 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 4 - 6 tháng; hay phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/giờ và bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 - 4 tháng...
Đây là một nghị định “nghiêm khắc”, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT, nhằm thiết lập lại trật tự giao thông đường bộ, đường sắt trên toàn quốc.
Vài năm trở lại đây, hoạt động giao thông vận tải đường bộ và đường sắt luôn biến đổi không ngừng, có nhiều đổi mới nhưng cũng phát sinh những bất cập trong quản lý điều hành bảo đảm TTATGT; nếu không có chế tài tương xứng, khó có thể ngăn chặn được những vi phạm, thiếu cơ sở để kiềm chế, giảm TNGT tối đa, nhất là lỗi chủ quan của người tham gia giao thông gây ra. Do vậy, việc triển khai thực hiện Nghị định 46 là tất yếu.
Xử lý nghiêm phải đi đôi với sự công khai, minh bạch và thiết thực hóa những tình huống xử phạt. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng có liên quan, nhất là lực lượng CSGT - những người thi hành công vụ phải công tâm, khách quan, trung thực, thi hành đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình, không bao che, không lợi dụng quyền hạn để xử phạt trái với nghị định. Các vụ vi phạm khi xử lý phải có sự giám sát chặt chẽ của người dân.
Nghị định 46 ra đời là hết sức cần thiết, tuy nhiên để TNGT giảm, không chỉ đơn thuần ở hoạt động kiện toàn hệ thống pháp luật về xử phạt, mà phải đồng bộ giữa ba yếu tố chính cấu thành giao thông, gồm: Hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông, trong đó người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện thuần thục, bình tĩnh và ứng xử văn minh có ý nghĩa quyết định.
TRỊNH DŨNG
- Công bố Quyết định hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu
- Phát động Tháng công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025”
- Ra mắt mô hình “Ấp thông minh - không ma túy, không tệ nạn xã hội” tại thị trấn Phước Long
- Giải vô địch các CLB Jujitsu quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng
- Huyện Hồng Dân: Sơ kết thực hiện “Năm Dân vận khéo” 2025