Cùng bàn luận

Ý tưởng - khởi nguồn của thành công

Thứ Tư, 18/10/2023 | 15:40

Nói như thế hoàn toàn không sai. Nhưng thành công có được chỉ khi hiện thực hóa ý tưởng đó. Bởi từ ý tưởng đến thực tế là một chặng đường dài có nhiều chông gai, nhưng nếu ta có khả năng nhận thức các trở ngại tiềm ẩn, ta sẽ tiết kiệm rất nhiều công sức, thời gian để hiện thực hóa (thời đại khoa học - công nghệ, từ ý tưởng đến hiện thực được thu hẹp một cách đáng kể so với thời kỳ sơ khai, thời kỳ máy hơi nước và cả thời kỳ khoa học - kỹ thuật).

Trong thực tế cuộc sống, khi có được một ý tưởng tốt, ai cũng muốn hiện thực hóa ngay (đó là tâm lý tích cực của con người). Nhưng cái nhược ở đây là “quên” luôn những đánh giá khách quan với những trở ngại khó lường có thể xảy ra. Những người trẻ thường hay mắc “lỗi tâm lý” này. Với họ ít khi “chịu” thấy khó khăn, trở ngại. Cứ có ý tưởng là hiện thực cũng sắp đến nơi rồi!

Tôi có quen một người bạn trẻ, gần như bạn là người luôn… thất bại trong kinh doanh (không biết có phải do xuất phát điểm của bạn là chéo nghề). Mới vừa nghe bạn “gầy dựng cơ sở làm ăn” thì không lâu sau đó đã nghe bạn… phá sản! Được cái, hễ “thua keo này là bày keo khác” không bỏ cuộc, đầu hàng; chỉ tiếc là bài học về sự chủ quan, rút ra kinh nghiệm vẫn không được bạn để tâm, suy xét. Có thể lấy ví dụ “ý tưởng làm giàu từ nuôi cá” của bạn. Vẫn cái viễn cảnh “lạc quan tếu”, bạn nhẩm tính và chắc ăn như bắp: Nào là lượng cá giống đầu vào (đầu tư), thức ăn là bao nhiêu, thời gian nuôi là bao lâu, sản lượng đầu ra (thu hoạch) là bao nhiêu, giá bán là bao nhiêu… thì chẳng bao lâu bạn thành… tỷ phú! Không hề tính đến những rủi ro, thiên tai… dù nhỏ nhất. Cái vốn mà bạn tự tin có được là nằm trong… ca dao, tục ngữ: “Muốn giàu nuôi cá” thế thôi. Những chuyện không may, trở ngại có thể có, anh bạn bỏ ngoài tai… Chẳng hạn, cá có thể bị các loại bệnh, giá cả thị trường trồi sụt, giá thức ăn dao động, nguồn nước có thể bị ô nhiễm… là “chuyện của thiên tai”, bạn không màng đến! Và rồi chuyện gì đến đã đến… Anh bạn lại “bày keo khác” bằng cách chuyển nghề - nghề “muốn khá”! (muốn khá nuôi heo). Không biết rồi đây anh bạn có “điều chỉnh nhận thức” hay không, hay vẫn chứng nào tật nấy, khư khư bảo thủ vốn kinh nghiệm ít ỏi của mình, dẫn đến đoạn đường cuối là… “nuôi vịt” trong câu tục ngữ trọn bộ: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Hy vọng không đến nỗi thế!

Mỗi người là một thế giới riêng, cả về nhận thức, kinh nghiệm, cách nhìn, cách suy nghĩ không ai giống ai. Nhưng những gì thuộc về quy luật, nguyên tắc… thiết nghĩ không thể không tuân thủ. Đi ngược quy luật là phải trả giá - bất chấp quy luật thì giá phải trả còn đắt hơn.

Hãy thừa nhận một điều, trong thực tế, khả năng trở ngại có thể xảy ra ở những tình huống khác ý tưởng mong muốn mà những người có nền tảng chuyên môn mới nhìn ra - đó là cách nhìn khoa học. Đừng để cảm tính và định kiến thay cho lý trí, khách quan (người ta đúc kết, những người để cảm tính dẫn dắt thường là những người yếu kém về tư duy phản biện…). Nó là nguyên nhân của sự tự ti thái quá (cứ khư khư “muốn giàu nuôi cá” của anh bạn) mà không nhận thức được tình trạng đang diễn ra và sẽ diễn ra.

Và một điều không thể chối cãi là: Các quyết định sai lầm thường bắt nguồn từ niềm tin, giả thiết sai lầm. Vì vậy, để có cái nhìn khách quan, toàn diện và khoa học, trước khi bắt tay thực hiện một dự án, một mô hình… cần đặt ra và trả lời cho được những câu hỏi: Ai, cái gì, ở đâu, tại sao, để làm gì (đối với nghề báo, những câu hỏi thế này là bắt buộc trước khi thông tin đến bạn đọc). Khi trả lời được những câu hỏi sẽ giúp ta nhìn ra bản chất sự việc ta đang thực hiện.

N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu đồng nghiệp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.