Cùng bàn luận
Hy sinh!
Đọc mấy dòng tiếc thương đồng đội (trên báo CAND) đã hy sinh trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”, lòng cứ thấy nao nao, bùi ngùi khó tả: “Dẫu biết cuộc chiến nào cũng cam go và mất mát, hy sinh và cuộc chiến với “giặc COVID-19” cũng vậy, nhưng khi hay tin Đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh - Phó trưởng Công an xã Phước Thạnh (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) ra đi đột ngột khiến đồng đội, người thân và Nhân dân vô cùng tiếc nuối”!
Anh là người con duy nhất trong gia đình, ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ - vừa bước sang tuổi 32. Trong lúc làm nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, bản thân đã không may phơi nhiễm con virus quái ác này. Sau gần 2 tuần chống chọi quyết liệt, các y, bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng con virus tàn độc đã cướp mất anh…
Anh ra đi không để lại gì, chỉ để lại: “Tình cha bao la như núi cao ngang trời. Tình mẹ rộng lớn như biển cả mênh mông”… mà trên trang cá nhân trước đó Minh dành cho cha mẹ mình!
Câu chuyện về Minh còn dài, dài lắm nhưng đồng đội không muốn kể thêm vì sợ cha mẹ anh khó đứng vững trước nỗi đau khi đứa con mình “đứt ruột đẻ ra” mãi mãi không về nữa!
Cuộc chiến chống COVID-19 hãy còn dài, còn bao nhiêu câu chuyện hy sinh chưa kể. Ở đó có cả sự hy sinh xương máu, có cả sự hy sinh về thể chất, tình cảm, tinh thần… mà sự hy sinh nào cũng đều thiêng liêng, cao quý đáng trân trọng.
Hình ảnh những người lính Bộ đội Cụ Hồ làm nhiệm vụ tại các chốt phòng chống dịch nơi biên giới xa xôi, gian nan khổ cực, ngày đêm canh gác cho sự bình yên của Tổ quốc là những câu chuyện dài, không có lời kết. Không ngại hy sinh, sẵn sàng xông pha vào nơi nguy hiểm, gian khó nhất là công việc thường nhật của người lính. Người lính luôn đặt tính mạng của Nhân dân lên trên mạng sống của mình, sẵn sàng hiến dâng cho đất nước yên bình. Với họ đó không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần mà đó còn là “mệnh lệnh từ trái tim”.
Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta, những người lính đã nhanh chóng, tích cực, xông pha cùng các cấp, các ngành, cùng cộng đồng phòng chống dịch. Hình ảnh các chiến sĩ bám chặt đơn vị, triển khai các bước chặt chẽ, nhịp nhàng trong phòng chống dịch luôn là tư thế tiến công của người lính. Rồi hình ảnh cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhường nơi nghỉ, doanh trại, sẵn sàng nhường chăn màn, suất ăn cho người dân cách ly… còn mình thì tự nguyện “ăn núi, ngủ rừng” vẫn thường thấy trong hoạn nạn.
Cũng trong những ngày bám chốt phòng chống dịch nơi biên giới xa xôi, câu chuyện về một chiến sĩ Biên phòng đang làm nhiệm vụ thì được tin mẹ mất nhưng không thể về chịu tang, tiễn đưa mẹ lần cuối cùng (vì những quy định khắt khe trong phòng chống dịch và vì nhiệm vụ) chỉ biết lặng lẽ thắp nén nhang tưởng nhớ tự đáy lòng… Hình ảnh đó đã khiến cho bao người, đồng đội xót xa, nghèn nghẹn! “Con xin lỗi, mẹ ơi vì COVID/ Mẹ ra đi con vẫn ở tuyến đầu/ Nén nhang này con khóc mẹ trên chốt/ Ngày bình yên con sẽ về ôm…”.
Đó là lời một bài hát của một người lính khi chứng kiến hoàn cảnh xót thương ấy của đồng đội mình trong điều kiện ngặt nghèo của những ngày chống dịch như một sự sẻ chia nỗi đau, một nén nhang lòng thắp lên cùng đồng đội.
Chuyện hy sinh trong phòng chống dịch COVID-19 còn nhiều, ở đâu cũng gian nan, nguy hiểm… và ở đâu sự hy sinh cao cả cũng “quyện chặt” trong tinh thần cống hiến của mỗi người - y, bác sĩ là lực lượng tiêu biểu như vậy.
Tôi rất cảm động khi đọc trên Facebook của một người không quen, anh (hay chị gì đó) đã viết: Khi ta đang yên ấm trong nhà - ngoài kia có rất nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm vật lộn với khó khăn, giành giật sự sống cho các F0 (nhất là F0 nặng, rất nặng). Họ không có khái niệm thời gian, không có khái niệm nghỉ ngơi, lấy sức… ngay cả bữa ăn cũng “quên” luôn - dù đói lả, giấc ngủ thấp thỏm, chập chờn, những đôi mắt quầng thâm do bao đêm thức trắng, chỉ có bộ đồ bảo hộ nóng bức, ngột ngạt là “theo” họ suốt thời gian. Đến khi được “thả ra” là lúc mệt nhoài, ngất xỉu. Ấy vậy mà chỉ cần ngơi đi là bật dậy, tiếp tục “cuộc hành trình” bởi công việc gọi, Nhân dân chờ, người bệnh đợi… Thế là họ lại lao vào công việc, miệt mài “quên” tất cả… đúng với nghĩa: Quên mình!
Mọi người chắc chưa quên một bác sĩ trẻ ở TP. Hồ Chí Minh cạo trọc đầu trước khi vào tâm dịch để tiện cho công việc. Rồi nhiều nữ điều dưỡng “đau xót” cắt đi mái tóc dài xinh đẹp, thướt tha mà bản thân từng nâng niu, chăm sóc để không vướng víu nơi tuyến đầu chống dịch… Phải chăng đó là sự hy sinh?!
Hai vợ chồng bác sĩ trẻ gửi lại con thơ cho người thân, “tranh” nhau vào tâm dịch với một tinh thần chiến đấu đến cùng, đem lại sự sống cho Nhân dân - Phải chăng đó là sự hy sinh?!
Cảm động hơn, một nữ nhân viên y tế đang nuôi con nhỏ phải cách ly và làm nhiệm vu tại một bệnh viện, đã dành những giọt sữa của mình cho một em bé vừa được mổ cấp cứu từ người mẹ bệnh nhân COVID-19, trong khi con mình… Tôi nghĩ đó là sự hy sinh cao cả mà chỉ có tình mẫu tử mới có thể thấu hết!
Hay việc sẵn sàng nhịn đói, nhịn khát, làm việc xuyên đêm trong bộ đồ bảo hộ giữa thời tiết mùa hè, tay chân, mắt mũi hằn những nếp bỏng rộp, đau rát, những đôi mắt quầng thâm do nhiều đêm thiếu ngủ, do dồn dập các ca bệnh nặng… không cho phép rời khỏi “trận địa”, không cho phép gục ngã… Phải chăng đó là sự hy sinh?!
Có những sự hy sinh còn nhìn thấy được, nhưng cũng có những sự hy sinh lặng thầm mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Trong sâu thẳm trái tim mình, họ xem đó như là nghĩa vụ, là trách nhiệm của người thầy thuốc - thầy thuốc như mẹ hiền!
Trước khi kết thúc mấy dòng này, xin được ghi lại những cảm tưởng, những sẻ chia của những bệnh nhân COVID-19, những người đã chứng kiến đội ngũ y, bác sĩ vất vả chiến đấu, giành giật mạng sống cho bản thân họ và bao người khác: Tôi không biết nói gì hơn, chỉ muốn dành tình cảm trân quý nhất và dành nhiều hơn nữa những gì cao đẹp cho những chiến sĩ áo trắng. Tôi biết trong số họ, rất nhiều người đã năm, ba tháng rồi - khi dịch bùng phát lần ba, lần tư không được sum họp gia đình. Mỗi người mỗi nẻo vì “công việc gọi, Nhân dân cần, người bệnh đợi…” thế là tất cả họ lại “quên mình”!
Còn đây là tâm tình rơi nước mắt của một bệnh nhân COVID-19: Ngày đêm chứng kiến các y, bác sĩ phải làm việc vất vả mới thấy “thương” họ đến nhường nào. Họ vất vả chăm lo từng ly từng tí cho người bệnh, quên cả bản thân mình, mới hiểu thấu câu: “Lương y như từ mẫu”. Sự quan tâm chăm sóc ấy cũng ấm áp như một gia đình!
“Những ngày nằm viện, tự đáy lòng mình tôi thương các y, bác sĩ nhiều lắm. Họ thật sự quá mệt, hy sinh quá nhiều cho bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân càng tăng thì sự hy sinh càng lớn. Tôi chứng kiến nhiều y, bác sĩ đã quá giờ ăn nhưng sẵn sàng đứng thật lâu để dỗ dành, bón từng muỗng cháo cho người bệnh… Chứng kiến những cảnh này, nước mắt cứ thế chảy ra”!
“Xin những ai chưa mắc COVID-19 hãy chấp hành thật tốt những quy định của Chính phủ, của Bộ Y tế về phòng chống dịch… để những người ở tuyến đầu (Bộ đội, Công an, những người tình nguyện và các lực lượng khác). Đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế - những người trực tiếp trong tâm dịch đỡ vất vả hơn. Sức người có hạn, nhưng họ đã vượt quá xa rồi, họ hy sinh quá nhiều rồi…”!
Đó là những tình cảm chân thành, những bày tỏ trân trọng tự đáy lòng của những bệnh nhân - những người đã “nhìn thấy” trái tim từ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trong tâm dịch.
Vâng, cho đến lúc này, chúng ta đã dần kiềm chế dịch COVID-19 lây lan (dù vẫn còn không ít phức tạp, khó lường). Có được kết quả đó là sự hy sinh, nỗ lực quên mình của những “chiến sĩ áo xanh, chiến sĩ áo trắng”… Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng. Nhân dân sẽ ghi nhận sự hy sinh cao đẹp của tất cả mọi người trong cuộc chiến “chống giặc” COVID-19 vô hình này…
Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, nhưng sự hy sinh của con người dành cho con người và những tình cảm chân thật nhất sẽ ở lại bên nhau. Xin được mượn ý của một đồng nghiệp để làm câu kết cho bài viết ở đây.
N.N.K
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường