Cuộc sống quanh ta
5.000 đồng
Đó chỉ là một số tiền nhỏ nhưng lại khiến tôi suy nghĩ nhiều về một con người. Chị có thể ngồi chờ mất nửa tiếng đồng hồ để bán được 3 trái chuối nướng trị giá 5.000 đồng. Nhưng khi tôi biếu chị 5.000 đồng, chị lại không lấy mà nhất quyết thối lại. Hành động của chị khiến người “cho tiền” như tôi nhận ra rằng chưa chắc cho tiền ai đó đã là một hành động hay.
Ảnh minh họa: B.T
… Tôi không có thói quen ăn vặt nên ít khi dừng chân mua những món ấy ven đường. Hôm đó, tôi dừng xe trước một quầy tạp hóa để mua vài món đồ dùng cho nếp núc. Trong lúc đợi lấy hàng, tôi nhìn thấy chị bán chuối nướng ngồi kế bên chỗ đậu xe. Chị chỉ còn lại 3 trái chuối nướng trên bếp lửa có lẽ đã tắt than từ lâu. Ông chạy xe ôm gần đó thấy tôi nhìn mấy trái chuối nướng thì nói vui với tôi: “Cô ăn dùm bà ấy đi, có 3 trái chuối mà ngồi nửa tiếng đồng hồ rồi, không ai mua, bán không được chắc bả ngồi tới… tối”. Tôi nghe vậy liền mua ngay. Tôi đưa tờ tiền 10.000 đồng và bảo chị ấy không phải thối lại. Thật bất ngờ khi chị nhất quyết thối trả tôi 5.000 đồng.
Tôi về mà suy nghĩ mãi. Tại sao người ta có thể ngồi cả nửa tiếng đồng hồ để kiếm 5.000 đồng mà lại từ chối 5.000 đồng đến tay mình một cách dễ dàng như vậy. 5.000 đồng trả giá cho công sức lao động chân chính và 5.000 đồng tiền cho của người khác, đó không phải công lao đồng của mình, có lẽ dù nghèo khó, nhưng người ta đã rạch ròi hai thứ tiền như vậy.
“Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, nhận đồng tiền tôi đưa thì chị vẫn sạch, vẫn “thơm” thôi, vì chị không xin mà tự tôi cho. Nhưng nhiều người đã chọn cách sống chỉ lấy đồng tiền từ chính công sức lao động của mình như thế, cho dù họ rất nghèo.
C.T