Cuộc sống quanh ta
Ai rồi cũng sẽ già
“Mẹ đổi tính y chang ngoại”. Không phải một đứa, mà nhiều đứa con trong nhà nhận ra điều này. Đây cũng là câu nói mà khi bà ngoại còn sống, mẹ cũng hay nói: “Ngoại mấy đứa đổi tính, khó khăn quá đỗi”… Hình như người già hay đổi tính. Tôi đã chứng kiến những người già trong nhà mình như vậy.
Ảnh minh họa: B.T
Cứ đôi ba bữa, mẹ lại kêu đứa này, đứa kia chở đi bác sĩ thăm khám sức khỏe, vì mẹ đau nhức xương khớp, nóng lạnh, khó ở trong người. Nhớ hồi còn sống, ngoại cũng hay nhờ cậu, hoặc kêu mẹ chở đi “thăm bác sĩ” hoài. “Thăm bác sĩ” là chữ mà cậu hay dùng để tỏ vẻ không hài lòng, vì công việc thì nhiều, mà ngoại cứ hơi khó ở là kêu đi…
Rồi cứ đôi ba bữa, mẹ lại có tâm trạng, buồn đứa này giận đứa kia. Mẹ không nói nhưng tụi tôi hiểu được mẹ buồn vì thấy mình cô đơn, không được quan tâm. Đứa thì lo cho vợ con, đứa thì suốt ngày bận bịu công việc, lo lắng cho con cái nên ít quan tâm đến mẹ. Hay khi thằng Út tỏ thái độ với mẹ khi mẹ làm công việc nhà gây tiếng ồn, cháu nội thức giấc, mẹ cảm thấy tủi thân… Nỗi buồn của mẹ chính là như câu mà dân gian hay nói, rằng “nước mắt chảy xuôi”: những người con trong gia đình khi đã lập gia đình và bắt đầu có mái ấm, có con và ở riêng, thì sẽ thường thương con của chúng, dành thời gian, tâm trí cho gia đình nhỏ của chúng hơn là chăm sóc cha mẹ, người đã sinh thành ra mình.
Tôi nghiệm lại chính bản thân mình thì đúng là như vậy. Và bạn cũng tự nghiệm thử xem: con của mình, chỉ cần nói thèm ăn gì đó, bất kể xa xôi hay mưa gió, chúng ta đều bất chấp, miễn sao con được ăn ngon. Hay chỉ cần chúng ấm đầu sổ mũi thì ta cuống cuồng lo lắng. Trong khi, người già, là cha mẹ mình, những người đã có tuổi, thậm chí có người “gần đất xa trời”, cái tuổi cần được nuông chìu, hỏi han, chăm sóc thì đôi khi mình lại vô tâm! Khi họ hờn trách, muộn phiền thì không ít người con cho rằng họ đã đổi tính, thậm chí dùng từ “sanh tật”. Vẫn có những người con xứng đáng ghi tên thêm vào danh sách “nhị thập tứ hiếu” của sử sách lưu truyền, nhưng dường như hiếm hoi lắm! Vì quy luật thường là vậy. Cuộc sống quá đỗi bộn bề, mỗi ngày ta có thể rong ruổi bao nhiêu chuyến xe để đưa rước con đến trường, đưa con đi chơi, đi siêu thị hay dùng thời gian để tiệc tùng, khách khứa mà “cắt xén” thời gian ghé nhà cũ thăm ba mẹ, thậm chí lâu lắm không bấm một cuốc điện thoại để hỏi han sức khỏe song thân… Một chuyến đi du lịch xa đến mấy cũng có thể “quy hoạch” từ xa để tổ chức đi cùng chồng (vợ) con mình, nhưng nhiều người lại lâu lắm mới sắp xếp một chuyến về quê thăm cha mẹ già, và đổ lỗi vì… bận! Bản vọng cổ “Đường về nhà mình xa quá má ơi” của soạn giả Hà Thị Mỹ Dung, bạn hãy thưởng thức để nghe lòng mình nức nở…
Rồi ai cũng già. Tôi nghiệm lại những lúc mình đã vô tâm với cha mẹ để… lường trước sau này, con cái biết đâu cũng vô tâm với mình như thế, như câu “nước mắt chảy xuôi”…
Nhật Quỳnh
- Bạc Liêu đoạt 20 huy chương tại Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên quốc gia năm 2025
- Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu: Trao đổi thông tin hợp tác với Trường đại học Cần Thơ về các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản
- Bộ Công an bàn giao 42 tỷ đồng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho tỉnh Bạc Liêu
- Tổ chức các hoạt động mừng Tết Chôl-chnăm-thmây năm 2025
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi năm học 2024 - 2025