Cuộc sống quanh ta
Bốn bó rau
“Bốn bó năm ngàn đồng thôi, tôi mua hết, bán không?”, tiếng trả giá của người phụ nữ sang trọng ngồi trên chiếc xe tay ga làm tôi chú ý. Còn người bán là một phụ nữ trông có vẻ nghèo (chắc chắn là nghèo nên mới mót từng đọt rau lang để bán dạo ở chợ), thì nài nỉ, “chị mua dùm em, tám ngàn đi, em không nói thách chị đâu, em bán ở đây hàng ngày mà…”.
Đáp lại thái độ van lơn của người bán, người mua vẫn lạnh lùng và nhất quyết mua bốn bó rau lang với giá năm ngàn đồng. Người bán đành… nhượng bộ để bán hết bốn bó rau cuối cùng, chắc chị cũng gấp về nhà lo công chuyện gia đình khi tan buổi chợ trưa, tôi đoán thế.
Bốn bó rau lang, một người phụ nữ sang trọng, một người bán rau nghèo nàn, tám ngàn đồng và năm ngàn đồng… Tôi cứ miên man nghĩ ngợi… Chuyện trả giá khi đi chợ đã trở thành thói quen của nhiều bà nội trợ. Đó có lẽ là do văn hóa mua - bán của nhiều người còn kém, nếu ai cũng bán đúng giá, đừng nói thách thì thói quen trả giá, mặc cả sẽ không còn! Nhưng chuyện trả giá bốn bó rau lang để được mua với giá năm ngàn đồng của người phụ nữ sang trọng kia sao mà… quá đáng! Chỉ chênh lệch ba ngàn đồng thôi, đối với một người giàu sang, nó chẳng đáng tẻo teo, vậy chị ta mặc cả để làm gì?! Cho người nghèo còn không tiếc, ai lại hành động kiểu như thế! Ngay lúc ấy tôi đã định rồ xe chạy lên mua giúp chị bán hàng bốn bó rau, thậm chí sẵn sàng trả chị mười ngàn đồng để mua, nhưng không kịp vì chị đã bán với giá… năm ngàn đồng! Thậm chí, nếu trị giá đúng của bốn bó rau là năm ngàn đồng đi nữa, sao người mua không nghĩ rằng coi như mình bỏ vài ngàn bạc lẻ giúp người nghèo hơn mình…
Ông bà ta thật hay khi dùng từ “giàu có” và từ “nghèo khổ”. Giàu thì có mà nghèo thì luôn khổ. Vì vậy, những người có hãy chia sớt với những mảnh đời khổ để sự giàu và nghèo không còn là khoảng cách xa xôi. Câu chuyện bốn bó rau với giá năm ngàn đồng, tôi nghĩ chắc không chỉ mình tôi suy ngẫm…
C.T