Cuộc sống quanh ta
Chiếc cặp da
Tan trường, trong lúc chờ ba mẹ đến đón, đám học trò tiểu học hồn nhiên hòa mình vào trò chơi quay dây tập thể. Tháo vội chiếc cặp da trên vai, đám trẻ thi nhau đặt chúng vào thành một đống tròn cho dễ “quản lý”. Khi mọi thứ đã đâu vào đấy, bọn trẻ lao vào trò chơi bằng tất cả niềm đam mê và sự vui thích của lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.
Một lúc sau, có chiếc SH trờ tới. Trên xe là người đàn ông trẻ tuổi ăn mặc sang trọng. Thì ra, đó là phụ huynh của một cậu bé đang nô đùa với đám học trò kia. Chợt thấy ba, mắt nó sáng bừng lên háo hức: “A, hôm nay ba đón con hả ba, mẹ đâu không đến ba?”. “Hôm nay nhà có khách, nên ba đón con thay mẹ. Nhưng ba đang có chút việc bận, con cứ ở đây chơi với bạn, ba lấy cặp con đi trước, chút quay lại đón con sau”. Đôi mắt thoáng buồn, cậu bé lầm lũi quay lại nô đùa cùng đám bạn. Không phải chỉ có ngày hôm nay mà cái “điệp khúc buồn” bận này bận nọ của ba mẹ đối với nó gần như đã trở thành một thói quen. Càng buồn hơn, khi nó đã học gần hết lớp 4, nhưng ba mẹ nó vẫn hoài nghi về khả năng giữ gìn cặp sách của con mình!
Ảnh minh họa: B.T |
Những bậc phụ huynh thời hiện đại hay quan niệm phải kiếm thật nhiều tiền để lo cho con cái một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Và vô tình họ bị vòng xoáy của công việc cuốn vào guồng quay vô tận. Và rồi, hậu quả là những đứa con bé bỏng của họ - dù được xã hội gọi bằng “cậu ấm, cô chiêu” - cảm thấy hụt hẫng, trống vắng trong chính căn nhà thân yêu của mình. Mong rằng, các bậc phụ huynh hãy thức tỉnh và dành hết cho trẻ tất cả sự quan tâm - dù là nhỏ nhất, để trẻ cảm nhận được rằng con cái chính là tặng vật quý nhất mà tạo hóa đã ban cho cha mẹ.
Mai Khôi