Cuộc sống quanh ta
Đám cưới văn minh
Tôi vừa dự một đám cưới trong xóm, nhìn cách thức tổ chức đãi khách cho đến chương trình văn nghệ thì tôi cho rằng đó là một đám cưới văn minh. Trong lúc chúng ta cùng nhau thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới, lễ tang thì đây là mô hình đáng học tập.
Cầm tấm thiệp hồng, tôi thật sự bỡ ngỡ vì lâu lắm rồi mới thấy có đám cưới mời khách dùng tiệc trà. Thật ra việc tổ chức đám đãi tiệc trà không phải là “sáng kiến” mà cách đây nhiều năm cũng không ít đám cưới đãi tiệc trà. Hiện nay, để thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới, ngành chức năng vẫn khuyến khích các cặp đôi nên tổ chức tiệc ngọt (tiệc trà) thay cho tiệc mặn (tiệc rượu). Việc đãi khách bằng trà, bánh thay cho rượu, thịt không chỉ góp phần tiết kiệm “hầu bao” cho đôi vợ chồng trẻ mà còn hạn chế tình trạng nhậu nhẹt say sưa, tiệc tùng kéo dài gây phiền hà lối xóm xung quanh (nhất là vùng nông thôn). Nhưng ít ai thực hiện, bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là vì quan niệm “đời người chỉ có một lần”, cho nên đám phải tổ chức chu đáo; đãi tiệc trà thì giống như một đám cưới… nghèo, thiếu hụt tài chính; mời người ta đến dự mà chỉ cho uống trà, ăn bánh thì có vẻ như không tôn trọng khách (?!). Ngoài ra là những lý do tế nhị về “trị giá” của tiền mừng cưới, nếu gia chủ đãi tiệc trà. Đám cưới ở xóm tôi không phải là một đám cưới nghèo. Gia đình hàng xóm là công chức nhà nước, đôi vợ chồng trẻ cũng đã có công ăn việc làm mới tính đến chuyện về chung một nhà. Nhưng, họ vẫn tổ chức tiệc trà đó thôi.
Ảnh minh họa: B.T
Đêm văn nghệ giúp vui đám cưới thật sự ấn tượng. Chắc là chúng tôi (gia chủ lẫn những nhà lân cận) may mắn vì những người góp vui trong chương trình đó toàn là những giọng ca hay. Phải nói, lần đầu tiên tôi nghe nhạc sống mà tưởng mình đang thưởng thức một “Gala nhạc bolero” tuyệt vời! Toàn những bản nhạc hay, đan xen còn có những bài ca về Hà Nội rất trữ tình! Nhưng, mới hơn 21 giờ tôi đã nghe tiếng nhạc tắt hẳn, sau lời giải thích của MC: “Chương trình nào cũng có hồi kết thúc, để không ảnh hưởng đến bà con xung quanh, chúng ta tạm thời ngưng chương trình tại đây. Rất cảm ơn các bạn đã góp vui cho chương trình”. Thú thật tôi lấy làm tiếc vì được nghe thêm những bản nhạc mình yêu thích. Điều này thật khác với “tiền lệ”: tôi (và đoan chắc là rất nhiều người nữa) từng khổ sở vì phải nghe tra tấn những bản nhạc hát kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, những bản nhạc chế khủng khiếp, và phải nghe đến quá nửa khuya. Có lần giữa đêm tôi đọc mà phì cười với dòng trạng thái của đứa bạn đăng trên “phây-bút”: “Hát một hồi nữa chắc qua “Đắp mộ láng giềng” luôn quá!”. Đó là cách nó pha chế tựa bài “Đắp mộ cuộc tình”, để ám chỉ hàng xóm hát hò inh ỏi khiến không ai nghỉ ngơi gì nổi.
Tổ chức đám cưới văn minh, không khó. Quan trọng là những người tổ chức phải nhận ra ý nghĩa của một tiệc cưới văn minh trước đã.
Nhật Quỳnh