Cuộc sống quanh ta
Giao thừa - một nét đẹp văn hóa
Hằng năm, mỗi khi tiết trời se se lạnh và từng cánh mai vàng nở rộ trên đường phố thì những người con xa quê bắt đầu tìm về. Họ gác lại mọi công việc để tranh thủ về quê cho kịp thời khắc giao thừa. Trong không khí hân hoan chào đón mùa xuân mới, ngoài việc chuẩn bị chu đáo các nhu yếu phẩm cần thiết, người dân còn nôn nao cái giây phút quây quần bên gia đình sau một năm miệt mài làm việc, học tập. Và điều không thể nào thiếu được trong khoảnh khắc chờ đợi đón giao thừa ấy là những chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt mừng xuân.
Ảnh minh họa: B.T |
Ở nông thôn, đêm giao thừa tuy không tưng bừng, nhưng vô cùng ấm áp. Dù ngày nay hiếm khi bắt gặp hình ảnh những gia đình cùng thức ngồi canh nồi bánh tét đêm xuân, song bù lại, các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong xóm ấp đều chuẩn bị nhiều tiết mục đặc sắc để trình diễn trong đêm cuối cùng của năm cũ. Dưới bàn tay của những nghệ nhân quanh năm tay lấm chân bùn, tiếng hòa tấu của các loại nhạc cụ xướng lên những bài bản quen thuộc như nam xuân, phụng hoàng, trăng thu dạ khúc… quyện với lời ca chân phương mộc mạc, mà rất đậm đà tình nghĩa như vườn cây, ruộng lúa. Miếng bánh, chung trà là những món quà tán thưởng sau những tràng vỗ tay giòn giã.
Giữa đêm là đến chương trình bắn pháo hoa giao thừa. Trên các tuyến đường chính, xe cộ nhộn nhịp, họ cùng nhau ngắm những hoa pháo bay lên nở xòe ra nhiều hình dạng độc đáo. Trời đất đã chuyển giao, gột rửa đi những gì của năm cũ và đón chào lộc biếc của năm mới. Những cành lộc được mọi người nâng niu trên tay và mang về nhà với ý nghĩa rước lộc đầu năm. Từng đoàn người trong những bộ trang phục mới rủ nhau đến nhà họ hàng, bạn bè xông đất để gửi những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.
Dù xã hội ngày nay có nhiều thay đổi so với trước kia, nhưng giao thừa vẫn mãi là thời khắc thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Dĩ Lang