Cuộc sống quanh ta
Hương rơm
Cây rơm là biểu tượng của vụ mùa, nhìn cây rơm ở sân nhà ai đó, người ta dễ dàng đoán được là năm ấy gia chủ thừa hay thiếu cái ăn.
Cây rơm đã thành thân thuộc với tôi từ khi tôi còn tấm bé, là khu vườn kỷ niệm của tuổi lên 5, lên 10. Ở đó, chúng tôi tha hồ chạy nhảy, la hét, chơi đùa mà không bị cha mẹ hay anh chị la rầy.
Những sợi rơm vàng óng mượt do trâu bò rút ra từ cây rơm vương vãi đây đó. Lâu dần thành tấm nệm cỏ thiên nhiên êm ái, té ngã chẳng đau đớn gì. Những trưa hè oi ả, nằm ngủ gối đầu lên chân cây rơm mới sung sướng làm sao. Gió mát se se, mùi rơm thoang thoảng, mùi ổi chín quanh đó hòa quyện vào nhau làm cho người lạ khó phân biệt được mùi gì là mùi gì. Nằm mơ màng trên cái “giường rơm” êm ái ấy nhưng chẳng dễ gì dỗ được giấc ngủ nếu có bạn bè nói cười xung quanh.
Làng quê tôi còn nghèo, cọng rơm là cứu cánh cho cuộc sống của cư dân nơi này. Từ bếp lửa rơm cho nồi cơm ngon, canh ngọt, cho cái ấm xua tan giá rét đến những lớp rơm êm ái lót dưới chiếu ru ta vào giấc ngủ say sưa. Khói rơm hăng hắc, cay cay nhưng dễ chịu, nó không thể thiếu để thăng hoa hương vị cho mùa màng.
Ổ rơm, nơi những chú gà con bé tẹo chào đời, nơi những tiếng chíp chíp dễ thương lan tỏa trong một không gian be bé gợi nhớ về tuổi thơ xưa đầy kỷ niệm. Bắt gặp cánh chim vụt qua bầu trời, miệng ngậm cọng rơm vàng mảnh khảnh gợi thương về hình bóng mẹ chăm chút giấc ngủ cho con thơ hằng đêm.
Ở phố lắm mùi khó chịu, mùi bố thắng, mùi đường cháy, mùi cống rãnh, mùi áo giấy… nhưng chẳng thể nào có được mùi thơm hăng hắc nhưng nồng nàn của rơm. Cái mùi hăng hắc ấy đã ăn sâu bám rễ vào cuộc đời người dân quê chân lấm, tay bùn. Dẫu ở đâu, làm gì, nếu có dịp người ta lại về với làng quê thanh bình của mình để được sống trong cái hương quê mộc mạc nhưng vô cùng yêu thương ấy.
Bây giờ, những nhà hàng sang trọng ở phố đem hương rơm ra nhử thực khách. Những món quê vang danh một thời như cá lóc nướng trui, gà đắp đất sét trộn rơm đút lò… rất được ưa chuộng. Tuy là món dân dã, nhưng giá cả chẳng dân dã chút nào, nhìn bảng giá người lao động bình thường không bao giờ dám gọi. Không biết các thực khách rủng rỉnh tiền kia có nhớ quê của mình không, nhưng những món quê ấy đã cho họ sự sung sướng vô bờ.
Cọng rơm vàng của tôi ơi, hãy mãi là ân nhân của bếp chiều quê mẹ, nơi còn có nhiều mái tranh nghèo và người quê chân bùn tay lấm đang trông chờ những bữa ăn ngon.
Xa quê mà lòng vẫn quê cũng là cách yêu quê của mình.
LÝ THỊ MINH CHÂU