Cuộc sống quanh ta
Nhớ ngoại ăn trầu
Bà ngoại tôi đã ra đi hơn hai chục năm nay. Thế mà mợ Út tôi vẫn còn giữ lệ têm trầu cúng ngoại trong ngày giỗ. Mợ nói: “Hồi đó, ngoại chỉ mợ cách têm miếng trầu sao cho thật khéo, mợ học theo và được ngoại khen. Ngoại dặn rằng: khi má chết con têm trầu cúng má, đừng để đứa khác làm má hổng vừa ý!”. Từ đó đến nay mợ Út không quên.
Nếu không thấy người têm trầu thì chúng ta cũng không biết là miếng trầu được gói ghém ra sao mà khi nhai, môi người ăn tươi lên màu đỏ thắm. Người xưa bảo rằng: “Nhìn miếng trầu têm biết tính nết người”.
Mợ Út nói hồi đó giỏ trầu của ngoại ngăn nắp lắm, nhất là hũ vôi không cho ai khuấy, vì như thế ăn vào sẽ phỏng miệng. Bà chọn từ trong xấp trầu tươi và lựa lá cũ ăn trước, lá trầu trải lên lòng bàn tay trái, dùng chìa vôi vít một chút vôi màu hồng phết lên lá trầu rồi lấy miếng cau tươi bổ sẵn để vào giữa lá trầu, quấn lại. Răng nội còn khỏe, nên cứ nhai nguyên lá. Còn người bị rụng răng thì bỏ vào ống xới dùng chìa xới làm nát lá trầu mới ăn được.
Ngoại tôi dáng cao, tóc trắng, bước đi khoan thai, môi cười đỏ thắm, lời nói nhẹ nhàng… toát lên vẻ thanh thoát của một người độ lượng, hình ảnh của bà luôn đẹp mãi trong lòng chúng tôi.
Theo sử liệu thì người Việt Nam đã có tục ăn trầu từ thời vua Hùng và trầu cau đã trở thành nét văn hóa trong đời sống hiện thực và cả đời sống tâm linh của mỗi thời kỳ. Trong các lễ vật dâng cúng tổ tiên hay Thành hoàng Bổn, một số địa phương vẫn còn giữ nét xưa: có một dĩa trầu têm sẵn, cùng hương, hoa, trà, quả. Trầu cau không thể thiếu trong thủ tục cưới xin, dù người quyền thế hay nghèo khó không thể bỏ qua lễ vật đặc biệt này. Trong giao tiếp, người xưa có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, vai trò của trầu cau đã giao kết tình làng nghĩa xóm, làm mọi người xích lại gần nhau, là lễ nghĩa trong đời sống xã hội. Ta thử nhìn lại hình ảnh các cụ ông, cụ bà khi ăn trầu thái độ ung dung, cử chỉ từ tốn, nhẹ nhàng, toát lên sự tĩnh lặng, bình tâm. Trên “chiếu trầu” những câu chuyện đời thường nối tiếp nhau rôm rả mà không ồn ào, vui tươi nhưng rất đằm thắm. Phải chăng tục ăn trầu là nét văn hóa làm nên phong thái của người Việt ở khắp vùng, miền trên đất nước ta.
Ngày giỗ ngoại tôi lúc nào bày sẵn “chiếu trầu” thường là các cụ bà cùng thời với ngoại. Còn những người trẻ hơn thì không có hứng thú thưởng thức món trầu cay, dù biết đó là một phần hồn cốt của tổ tiên.
Tôi hình dung ngoại tôi đang có mặt trên “chiếu trầu” cùng hàn huyên với bà con hàng xóm, người trong thân tộc… Nhìn con cháu sống chan hòa, thân mật, chắc ngoại rất vui, nhất là nàng dâu út (mợ Út tôi) đẹp nết, đẹp người, chính mợ đã nhắc nhớ chúng tôi về ngoại qua miếng trầu têm trong ngày cúng giỗ.
Lê Ngọc