Cuộc sống quanh ta
Những người tốt bụng
Khu nhà ở của tôi tập trung toàn người lao động bình dân. Cuộc sống khó khăn, nhọc nhằn, nhưng ở nơi đó vẫn có những đốm lửa ấm áp tình người được nhen lên từ đôi bàn tay gầy gộc và lưng áo ướt đẫm mồ hôi.
Năm đó, gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tôi ra trường, nhưng chưa xin được việc làm, em trai đang học tại một trường chuyên nghiệp trong tỉnh. Cả nhà sống nhờ vào tiền công làm thợ hồ của cha. Mà nghề thợ hồ thì làm ngày nào ăn ngày đó, có dư dả gì đâu. Mùa nắng thì đỡ, mùa mưa cha không đi làm được, cả nhà tôi chìm trong những tiếng thở dài nặng nhọc của mẹ.
Rồi một hôm, em trai tôi nói rằng trường sẽ tổ chức đi thực tập trong thời gian nửa tháng tại một tỉnh xa. Mẹ tôi mấy đêm liền không ngủ được vì lo lắng chẳng biết tiền đâu cho em đi, trong khi nhà thì đang chạy gạo ăn từng bữa. Dường như biết được điều đó, em nói với cả nhà rằng em sẽ đi bẻ chì để kiếm thêm tiền. Ở gần nhà tôi, có một gia đình làm nghề lưới cần một số thợ gia công chì để dập vào lưới đánh cá. Thế là để có đủ tiền trang trải cho chuyến thực tập, mỗi ngày, sau giờ cơm, em tôi lại miệt mài với việc làm “thợ bẻ chì nghiệp dư”. Nó siêng năng, chăm chỉ đến nỗi, có hôm mãi làm đến tận chín giờ tối mới về đến nhà. Chẳng có công việc nào không đáng tự hào khi có thể làm ra những đồng tiền chân chính. Tiền công nhận được sau mỗi ngày khoảng 20.000 đồng, nhưng em tôi vẫn mừng lắm, vì nó biết trong hoàn cảnh hiện tại, kiếm được đồng tiền là điều quan trọng nhất. Ngày đi thực tập, người chủ gọi lại và bảo giúp đỡ em tôi một số tiền đáng giá vào lúc bấy giờ: 200.000 đồng. Em tôi mừng lắm, về nhà cứ nhắc mãi với mẹ: “Con làm có được bao nhiêu đâu mà anh chị giúp con, số tiền này bằng 10 ngày con làm đó mẹ”.
Tôi cứ ngỡ rằng cuộc sống hiếm hoi lắm mới gặp được một người tốt như thế, nhưng tôi đã sai. Cuộc thực tập em tôi kết thúc bằng một cái kết có hậu về tấm lòng của những người tốt bụng dù không giàu có: bà chủ nhà trọ đơm lại nút áo bị đứt cho các học sinh; nấu những bữa cơm ngon vượt phần tiền quy định và có những món quà nho nhỏ gửi tặng các em khi ra về…
Bây giờ, em tôi đang trên hành trình đi đến thành công của cuộc đời, nhưng chưa bao giờ em thôi nhắc về những tấm lòng đáng quý đó. Bởi vì, cha tôi từng nói: “Người ban ơn có thể quên, nhưng người thọ ơn phải nhớ suốt đời”.
Nguyệt Tú