Cuộc sống quanh ta

Ơn sâu của mẹ

Thứ Hai, 31/08/2020 | 17:22

Một đứa trẻ khi được hỏi “cha và mẹ, con thương ai nhiều hơn?”, thường thì nó sẽ trả lời, “thương bằng nhau”. Nói về công lao của cha - mẹ, ca dao cũng không phân chia ít nhiều “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Thế nhưng, lễ Vu lan tháng 7 âm lịch hàng năm, ngày tôn vinh hiếu đạo của người Việt qua tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, người ta lại nhắc về công lao của mẹ nhiều hơn!

Hoa hồng mùa Vu lan. Ảnh minh họa: Internet

Có lẽ, đó là vì ơn sâu của mẹ 9 tháng cưu mang, mang nặng đẻ đau tạo ra hình hài đứa con yêu dấu. “Đàn ông xương trắng nặng quằn/ Đàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn/ Người có biết cớ sao đen nhẹ?/ Bởi đàn bà sinh đẻ mà ra/ Sanh con ba đấu huyết ra/ Tám hộc bốn đấu sữa hòa nuôi con/ Vì cớ ấy hao mòn thân thể/ Xương đàn bà đen nhẹ hơn trai”. Một đoạn kinh Vu lan báo hiếu đã thuyết giảng như thế! Thâm ân của mẹ đã khắc vào trong tận xương cốt. Ơn dưỡng dục sinh thành là của song thân nhưng rõ ràng, một thân vẫn nặng hơn thân kia. Ơn của mẹ là ơn mang nặng đẻ đau, là đã chia cho con một phần máu thịt, chịu bao đau đớn, nhọc nhằn, thậm chí mỗi lần “đi biển mồ côi một mình” là một lần đối mặt với tử thần. Có những người mẹ sẵn sàng chấp nhận cái chết để giữ được tính mạng của con. Thỉnh thoảng trên trang báo chúng ta lại nhìn thấy nụ cười ấm áp trìu mến của mẹ khi nhìn đứa con mở mắt chào đời sau bao đớn đau mẹ chịu đựng vì bị bệnh hiểm nghèo, để rồi sau đó mẹ nhắm mắt xuôi tay! Những hình ảnh ấy đầy tính nhân văn, thiêng liêng vô bờ tình mẫu tử.

Nếu mẹ yêu con bằng những cưu mang, hoạn dưỡng thì cha thương con bằng những nhọc nhằn cả đời bươn chải để chăm lo cho mái ấm gia đình. Mẹ thương con bằng sự chở che, đến mức nuông chìu thì cha thương con bằng thái độ mạnh mẽ để con biết tự vươn lên sau khi vấp ngã. Mẹ thương con bằng những hỏi han, lo lắng khi con vắng nhà, thì cha thương con bằng những đường cày sâu, cuốc bẩm, bằng tấm áo đẫm mồ hôi để kiếm tiền gửi con ăn học… Không ai có thể phủ nhận công lao như ngọn Thái Sơn của cha bên cạnh suối nguồn lai láng của mẹ. Nhưng, đúng như kinh Phật nhắc: mẹ thương con bằng chính sự sẻ chia máu huyết của mình từ khi con mới tượng hình. Mẹ vất vả 9 tháng 10 ngày mang thai, chịu những cơn hành từ khi mang thai cho đến nỗi đớn đau “banh da xẻ thịt” để hạ sinh đứa con. Thâu đêm suốt sáng chăm con, thân xác héo mòn không quản ngại… Tất cả những hy sinh về thân xác đó không có ai có thể thay người mẹ! 

Không hiểu vì sao ngày nay lại có những bà mẹ vứt con? Thỉnh thoảng lại phát hiện những thai nhi bị bỏ rơi trước cổng chùa, trước trại trẻ mồ côi, đau lòng và đáng lên án hơn là những thai nhi còn nguyên cuốn rốn bị gói vào túi nylon vứt ngoài đường, vứt gần thùng rác, thậm chí là bỏ từ trên nhà cao tầng xuống, có đứa còn bị kiến, ruồi bâu, cắn… Những thai nhi vô tội ấy là bản án lương tâm cực kỳ đắt giá mà những người mẹ vứt con đeo mang suốt một đời. Không có một hoàn cảnh nào có thể đem ra để biện hộ cho sự băng hoại đạo đức đó của rất ít người mẹ không đáng là mẹ!

Tình mẫu tử là thiêng liêng nhất trong mọi tình cảm con người. Có một câu ngắn gọn mà dường như rất nhiều người con vẫn chưa nói với mẹ khi mẹ mình còn sống, đơn giản chỉ là “con cảm ơn mẹ!”. Ta có thể mang ơn, nói lời cảm ơn với… cả thế giới, tại sao với người tạo ra mình, ta lại vô tâm? Hãy nói khi còn mẹ ở trên đời, khi trên ngực áo vẫn còn được cài cành hoa hồng đỏ thắm trong mùa Vu lan.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.