Cuộc sống quanh ta
Ông già Xẻo Đước
Không biết tự bao giờ ông nội tôi đã mang cái biệt danh “ông già Xẻo Đước”, mặc dù tên cúng cơm của ông có ba chữ hẳn hoi, được ghi trên những tấm huân chương là Trần Anh Hùng.
Khi các con ông đã yên bề gia thất và ông cũng xếp lại chuyện nước để về hưu, ông khoác lên mình một nhiệm vụ mới, đó là đi tìm đồng đội. Ban đầu chỉ một vài người theo ông, sau đó ngày càng có nhiều người giúp sức, đồng hành. Gần 20 năm có mặt trên những trận địa, chiến hào và các nghĩa trang để tìm kiếm những người cùng đơn vị mà sau ngày 30/4/1975 không trở về và cũng chưa tìm thấy tung tích.
Tội nghiệp bà nội, mấy mươi năm vợ chồng mỗi người một nơi, sau hòa bình thì sức khỏe bà cũng mỏi mòn, cần có ông cận kề nhưng ông lại đi… bà vẫn một mình lo cho các con ăn học, công tác, dựng vợ gả chồng, ông chỉ là người chứng kiến.
Năm đầu, ông đã tìm thấy 2 hài cốt ở tỉnh ngoài; năm kế tiếp lại có thêm manh mối về các liệt sĩ cùng đơn vị với ông, và cứ thế ông không mệt mỏi mặc dù trái gió trở trời, các vết thương xưa cũng gây đau nhức, càng đau ông lại có thêm động lực vì nó nhắc nhở ông những năm tháng ác liệt, anh em cùng chiến hào hết lòng vì nhau, thậm chí giành lấy cái chết để bảo vệ đồng chí của mình.
Bà nội không làm nổi chuyện nặng nhọc, bà nuôi gà, nuôi vịt để dành đến ngày 27/7 hằng năm hoặc kỷ niệm ngày hòa bình bà làm tiệc cúng các liệt sĩ và bà con trong xóm tử nạn vì chiến tranh. Đã thành thông lệ, nhà “ông già Xẻo Đước” những ngày này không mời mọc, kêu gọi mà khách đến rất đông, mỗi người cầm theo nải chuối, vài con cá hay chai rượu đế rồi cùng thắp nhang khấn vái, mời anh em về…
Địa danh Xẻo Đước có ở nhiều nơi nhưng quê tôi, nếu nhắc đến hai tiếng thân quen này người ta biết ngay đó là vùng căn cứ kháng chiến, một thời là trụ sở các cơ quan đầu não của tỉnh và khu, nơi đây rất trù phú về sản vật của rừng, của biển, của sông và cả tấm lòng của những người con yêu nước. Vì vậy, Xẻo Đước trở thành khu căn cứ cách mạng bền lâu gắn liền với sức chiến đấu ngoan cường của bộ đội, dân quân du kích chống lại sự bao vây, phong tỏa, bắn phá của nhiều binh chủng với đầy đủ tiềm lực quân sự, vậy mà khu căn cứ “lòng dân” vẫn vững vàng cho đến ngày đất nước sạch bóng quân thù. Với truyền thống đó, miền quê thủy chung, ân nghĩa vẹn toàn này ngày nay vẫn mạnh mẽ vượt qua đói nghèo, sáng tạo trong xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc. Điều đặt biệt ở Xẻo Đước là 100% gia đình đều có công với cách mạng, tất nhiên sự mất mát hy sinh cũng không hề nhỏ.
Hơn 20 năm ròng rã đi tìm hài cốt liệt sĩ, đến nay ông cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng khi đã đưa tất cả liệt sĩ trong đại đội của ông về tới quê nhà. Tính sao cho hết những gian khó trong quá trình tìm kiếm, đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng, có những lúc ông hết sức chạnh lòng khi đối diện với sự vô tâm, tắc trách của những người có trách nhiệm nhưng đã tâm nguyện thì phải theo đuổi đến cùng. Có lẽ anh linh các liệt sĩ đã thấu cảm cùng ông nên phù hộ để ông an lòng hưởng tuổi già bên những người thân yêu của mình trong quãng đời còn lại.
Tôi tự hào về quê hương tôi, về “ông già Xẻo Đước” - người "đồng chí già" vô cùng kính mến của tôi!
Lê Ngọc
- Năm 2025, đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện trong tham gia xây dựng đô thị văn minh
- Tỉnh đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh -Trường đại học Bạc Liêu: Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên
- Bộ Công thương tổ chức Hội nghị đôn đốc các dự án điện theo Chỉ thị 01/CT-TTg
- TX. Giá Rai triển khai kế hoạch mừng Đảng - mừng Xuân năm 2025
- Sở Tài chính tổng kết công tác năm 2024