Cuộc sống quanh ta
Sông cạn
Mùa này, nước dưới những dòng sông đã cạn. Nắng hạn kéo dài, ruộng khô chờ nước tắm tưới. Những chiếc máy bơm “làm việc” hết công suất để cứu hạn cho những cánh đồng. Sông đã cạn, những con kênh rẽ nhánh men theo những ruộng lúa càng khô cạn hơn...
Sông quê. Ảnh: C.T |
Đó là cái chai thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… người nông dân vô tư ném xuống lòng sông, dòng kênh sau khi đã sử dụng. Đó là xác những con vịt, con gà, con mèo… nhiều người cứ thả trôi trên sông thay vì chôn xác chúng... Rồi những bọc rác được “đóng gói” kỹ càng, những thứ phế phẩm đủ chủng loại của người dân thải xuống lòng sông một cách thiếu ý thức... Tất cả đã tạo nên một khung cảnh xám màu cho những con sông cạn!
Sông cạn, những chiếc máy bơm như “ông thần” cứu rỗi cho những cánh đồng đang khô cằn và đợi chờ mưa xuống. Nhưng nước trên những dòng sông ấy lại không phải là dòng nước trong lành nữa khi những thứ trôi dạt trên sông, men theo dòng kênh toàn là những phế phẩm chứa đầy những nguy cơ độc hại. Nhiều người cứ sống vô ý thức trước khẩu hiệu “bảo vệ môi trường nước” cũng là đang làm giảm đi chất lượng cuộc sống của chính mình.
“Sông quê nước chảy đôi bờ, để anh chín dại mười khờ thương em…”. Có một thời, dòng sông quê đã đi vào thơ ca, nhạc, họa qua những lời có cánh, thơ mộng là thế. Nhưng giờ đây, thật hiếm hoi những dòng sông quê với con nước lớn ròng xanh mát màu xanh của hàng cây tỏa bóng đôi bờ, của những đám lục bình trôi như trong câu hát ngày xưa...
Sông cạn và không còn nên thơ nữa, đôi khi bởi sự vô tâm của con người...
VŨ THÙY ANH
- Huyện ủy Đông Hải: Tổng kết công tác dân vận - tuyên giáo - văn phòng năm 2024
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu.
- HĐND huyện Phước Long tổ chức kỳ họp thứ 15
- Họp báo giới thiệu Giải bóng đá vô địch sân 7 các CLB miền Tây năm 2025
- Tăng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh lên 45% trong năm 2025