Cuộc sống quanh ta
Tản mạn mùa Vu lan
Những cơn mưa ngâu rả rích rơi báo hiệu một mùa Vu lan nữa lại về. Trên khắp các đường phố, thôn xóm, mọi người đều tạm gác lại sau lưng những lo toan, vất vả của cuộc sống để đi chùa cầu bình an, trường thọ cho đấng sinh thành...
Vào đêm Rằm tháng Bảy, dù bận rộn đến mấy thì mẹ và chị tôi cũng đều sắm sửa các lễ vật lên chùa cầu an. Lễ xong đâu đấy, mẹ tôi cài bông hồng trắng lên áo của mình. Còn tôi thì cài bông hồng đỏ thắm. Tôi tò mò hỏi mẹ vì sao lại có sự khác biệt đó. Mẹ cười hiền hậu bảo rằng: “Bông hồng tượng trưng cho tình yêu, cài bông hồng lên ngực áo vào ngày Vu lan có ý nghĩa dành cho các bậc sinh thành những tình cảm tốt đẹp nhất, là cách để con người ghi nhớ và khắc sâu chữ hiếu, đạo làm con. Những ai còn cha mẹ thì cài bông hồng đỏ, những ai mất mẹ thì cài bông hồng trắng”. Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng cài lên ngực áo một bông hồng đỏ thắm mà tự hào vì mình còn cha mẹ để được yêu thương, chở che.
Bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, tự hào như tôi khi được cài lên ngực áo bông hồng đỏ thắm. Nhưng có bao giờ bạn suy ngẫm về những hành động dù rằng vô tình đã làm cho ông bà, cha mẹ lo lắng, buồn phiền hay không? Hôm đi chùa, tôi đã bắt gặp nhiều tiếng nấc, những giọt nước mắt nghẹn ngào, đầy xúc động của những người con khi cài trên ngực mình bông hồng trắng. Có lẽ, họ đang lục lọi trong ký ức những tháng ngày đã làm cho cha mẹ phiền lòng, giờ có ăn năn, hối hận cũng không còn kịp nữa. Bởi vậy, những ai đang còn ông bà, cha mẹ thì hãy nên quý trọng, thương yêu và chăm sóc ân cần, chu đáo. Để sau này, khi phải cài trên ngực mình bông hồng trắng thì sẽ không thấy hối hận, xót xa.
Hãy hiếu thảo với ông bà, cha mẹ mỗi ngày chứ không riêng gì ngày Vu lan. Hãy sống chậm, biết yêu thương, chia sẻ với những cuộc đời, những số phận kém may mắn hơn mình… Đó chính là thông điệp, là ý nghĩa nhân bản mà chúng ta học được sau mỗi mùa Vu lan.
LÊ VĂN XUÂN