Cuộc sống quanh ta
Thương nhớ cào cào
Sau bao nhiêu năm xuôi ngược giữa dòng đời, bàn chân đã in dấu không biết bao nhiêu nơi, cả phố lẫn quê, bạn vẫn không thể quên được hình ảnh khi mùa hạ về, những chú cào cào áo xanh áo đỏ bay phấp phới giữa trời quê. Cào cào là cả tuổi thơ của bạn, là những năm tháng tinh khôi ngọt ngào. Năm tháng ấy bạn vui buồn, cười khóc với đám bạn ngây thơ cùng với những chú cào cào trên tay…
Thiên nhiên ban tặng cho quê bạn vùng đất trù phú, với cánh đồng thẳng cánh cò bay. Mùa gặt về, cào cào, châu chấu nhiều vô kể, đi đâu cũng gặp. Từ bờ kè ruộng, thân cây lúa cho tới cây bắp, cây mía… cào cào đậu kín. Mùa gặt trẻ con được người lớn giao cho nhiệm vụ xách nước, mang cơm. Khi xong xuôi nhiệm vụ thì lại quanh quẩn bắt châu chấu, cào cào. Bạn thích thú tóm từng chú cào cào đang búng càng tanh tách cho vào túi nylon. Chỉ một loáng chưa đầy 15 phút, túi đựng cào cào của bạn đầy ắp. Đám bạn của bạn, đứa nào đứa nấy vẻ mặt hớn hở khi trên tay nặng trĩu “chiến lợi phẩm”. Trong mắt nhiều người, cào cào là loài đáng ghét vì nó phá hại mùa màng, nhưng trong mắt bạn cũng như đám bạn nhỏ thời đó, đây là loài vật đáng yêu vô cùng, với bao điều bí ẩn muốn khám phá.
Bạn không thể nhớ nổi, năm tháng ấy đã có bao nhiêu cuộc tranh cãi gay gắt xảy ra chỉ vì một ai đó không phân biệt được cào cào hay châu chấu. Những cuộc tranh cãi ấy khiến bạn rưng rưng mỗi khi nhớ về dẫu có những uất ức tuổi trẻ bồng bột hay những tiếng cười hiếu thắng. Nhưng nếu ai để ý và yêu mến cào cào thì rất dễ dàng nhận ra cào cào có những đặc điểm rất riêng biệt. So với châu chấu, cào cào có cái đầu nhọn hoắt và sau lớp áo màu xanh trên cùng thì ở dưới là lớp áo màu đỏ phớt nhè nhẹ. Ngược lại, châu chấu đầu tù và thường chỉ có một lớp áo màu xanh hoặc màu nâu ở bên ngoài. Thân cào cào bé và có vẻ dài, mảnh khảnh hơn châu chấu.
“Chiến lợi phẩm” được bọn trẻ bắt về một số dùng làm chiến binh thi đấu, số còn lại thì dành cho lũ gà, lũ vịt. Cào cào, châu chấu ngày xưa còn là “vị cứu tinh” của người dân trong làng trong những năm đói kém, thiếu thốn. Bạn nghe bố mẹ kể mà lòng rưng rưng, thương ông bà, bố mẹ vô cùng. Thời của bạn cũng khốn khó nhưng không ai phải ăn cào cào trừ bữa nữa, bạn vẫn được ăn cơm trắng, cá khô, bữa ăn tuy đạm bạc nhưng no đủ. Thi thoảng đám bạn của bạn vẫn chế biến cào cào, châu chấu làm thức quà mua vui cho mình, ăn vui chứ ăn trừ bữa thì không thể nào.
Hết mùa cào cào cùng lúc đám gà vịt lớn nhanh. Mẹ mang số gà vịt ra chợ bán lấy tiền mua sách vở, quần áo, giầy dép chuẩn bị cho năm học mới. Ôi, năm tháng ấy, bạn nhớ quá đi mất! Những chắt chiu của cha mẹ, những khổ cực ấy bạn sẽ không bao giờ quên được. Và vô tình cào cào, châu chấu trở thành ân huệ trong hành trang cuộc đời bạn lớn lên.
Bây giờ về quê gặp ngay mùa gặt, cào cào hay châu chấu chẳng còn nhiều như xưa nữa. Phần do những chất hóa học, thuốc trừ sâu khiến chúng ngày một tiệt chủng. Phần khác các thương lái tận thu từng chú cào cào, châu chấu để bán cho các nhà hàng lớn chế biến thành món ăn đặc sản cho khách hàng. Một chút nuối tiếc khi cánh cào cào không thể đồng hành được với tuổi thơ của trẻ con bây giờ, lòng bạn cứ ngẩn ngơ…
Lại thêm một mùa cào cào về nữa…
Tăng Hoàng Phi
- Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5
- Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng kiểm tra công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Vĩnh Lợi
- Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Ngô Vũ Thăng: Ngành Y tế cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao, y đức tốt
- Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực