Cuộc sống quanh ta
Tiếng hàng rong
Quê hương với tôi là những buổi bình minh có tiếng mẹ, tiếng chị í ới gọi nhau đi chợ. Là những buổi chiều nhạt nắng lang thang trên bờ đê hái những bông cỏ may. Là những đêm khuya nghe sóng vỗ bờ, trăng kể chuyện tình biển và cát yêu nhau. Và, quê hương với tôi còn là tiếng rao quen thuộc của những cô bán hàng rong.
Những cô bán hàng rong trên vai lúc nào cũng nặng trĩu quang gánh, nhưng đôi môi luôn nở nụ cười rất tươi với những câu rao mời ngọt lịm: “Ai ăn chè đậu xanh, nước dừa, đường cát hôn?”. Tiếng rao của họ làm ấm trái tim bao người. Nó giúp bà Tư thấy bớt hiu quạnh mỗi sớm mai thức giấc trong ngôi nhà rộng thênh thang mà chỉ có một mình.
Tiếng rao của cô bán bánh mì với Nam lại mang một ý nghĩa đặc biệt. Mẹ mất khi nó vừa tròn 10 tuổi. Thời gian đầu nó chông chênh lắm. Nhưng vô tình một ngày nó nghe thấy tiếng rao của cô bán bánh mì sao giống mẹ mình đến lạ. Từ đó, ngày nào nó cũng chờ gánh hàng của cô đi ngang ngõ để được nghe giọng trầm ấm ấy, để có cảm giác như mẹ luôn ở bên.
Tiếng rao bán hàng rong giúp chú Tâm hiểu hơn sự vất vả, cực nhọc của vợ mình. Vợ chú cả ngày phải bươn chải để lo cho gia đình, vậy mà có đôi khi chú không hiểu. Chú đối xử cộc cằn, thô lỗ để vợ buồn. Sao hôm nay nghe tiếng rao tim chú như thắt lại. Chú thấm thía hơn tấm lòng vì chồng, vì con của vợ.
Còn với tôi, tiếng rao của những cô bán hàng rong như một phần không thể thiếu của quê hương, xứ sở. Để khi đi xa tôi nhớ về hai chữ quê hương. Hay mỗi sáng thức giấc nghe tiếng rao, tôi lại bần thần nhớ về tuổi thơ êm đềm chờ đợi những gánh chè, bánh đi qua ngõ để mè nheo với mẹ.
Mai Thu Phương