DỊCH COVID-19
Tạo niềm tin để chống dịch
Những ngày này, các tỉnh thành phía Nam, trong đó có Bạc Liêu luôn “nóng” chuyện chống dịch khi dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp ở khu vực này. Và để quyết tâm chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ đã quyết định đồng ý thực hiện giãn cách xã hội ở 19 tỉnh, thành phía Nam. Đây là quyết định mang tính then chốt nhằm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Nhìn những dòng người đổ xô ra chợ, siêu thị, đến các cửa hàng tạp hóa để gom hàng hóa về tích trữ, không ít người đã ngỡ ngàng. Bởi đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ áp dụng Chỉ thị 16. Còn nhớ, tháng 4 năm ngoái, khi đợt dịch thứ nhất bùng phát dữ dội trên toàn thế giới, Chính phủ đã áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn quốc. Lần đầu chưa quen, thông tin lại bát nháo nên nhiều người đổ xô đi mua hàng dự trữ. Đó là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được. Năm nay, việc áp dụng Chỉ thị 16 chỉ ở 19 tỉnh, thành phía Nam, các bộ, ngành đã sẵn sàng các phương án hỗ trợ, chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện, người dân cũng đã quen với việc hạn chế đi lại, chỉ đi ra ngoài khi cần thiết. Đặc biệt, ngay từ năm trước, việc các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng bán thực phẩm, thuốc trị bệnh… vẫn bán bình thường trong thời gian giãn cách đã được tuyên truyền rộng rãi. Vậy mà khi Chỉ thị 16 lại được áp dụng lần nữa, người dân vẫn nháo nhào đi mua hàng dự trữ, vẫn nghe theo những tin đồn thất thiệt.
Vậy ngoài tình hình khách quan là diễn biến dịch bệnh phức tạp, nguyên nhân chính của sự mất bình tĩnh này là gì? Có thể khẳng định, đứng sau tâm lý bất ổn của người dân chính là những tin đồn vô căn cứ, tin đồn rỉ tai nhau trong khi thông tin chính thống trên truyền thông lại không được quan tâm. Đó là tâm lý đám đông, khó trách được người dân. Vấn đề là ngay cả cán bộ, công chức, viên chức, những người làm trong bộ máy chính quyền - vốn phải hiểu biết và nắm rõ thông tin trước người dân, lại chính là những người đưa ra tin đồn, tin không đúng bản chất hoặc cố tình bình luận gây hoang mang cho người dân.
Cuộc đấu trí với thông tin rác, thông tin gây nhiễu loạn nhằm chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gây rối tình hình trật tự an toàn xã hội… vốn luôn gay go, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì càng nóng hơn bao giờ hết. Và cũng hơn bao giờ hết, vai trò của các cơ quan truyền thông chính thống cần được phát huy tối đa như bây giờ. Phản bác những tin đồn thất thiệt, cung cấp những thông tin chính thống, tích cực để Nhân dân vững tin vào các giải pháp của Chính phủ, địa phương, các cơ quan chức năng - đó mới chính là việc các cơ quan báo chí cần làm ngay lúc này, thay vì chạy theo những thông tin trên mạng xã hội để làm tình hình thêm rối ren.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay trong việc xử lý những đối tượng tung tin đồn thất thiệt, đặc biệt là chấn chỉnh nhanh những cán bộ, công chức, viên chức cố tình đưa thông tin nội bộ ra ngoài một cách sai lệch. Dù động cơ là gì nhưng việc những người làm việc trong bộ máy công quyền lan truyền thông tin tiêu cực, thông tin không chính xác, tạo ra tâm lý hoang mang trong xã hội, tạo thêm áp lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh là không thể chấp nhận được.
Năm trước, chúng ta đã khống chế rất tốt sự lây lan của đại dịch cũng từ niềm tin của Nhân dân vào giải pháp của Chính phủ và các cấp chính quyền. Năm nay, niềm tin ấy cần phải được củng cố vững chắc hơn nữa, trở thành liều thuốc tinh thần trị căn bệnh toàn cầu này.
N.L
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long