Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Đề xuất miễn thuế nhập khẩu với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
* Kiến nghị liên quan đến kho dự trữ muối quốc gia
(BL-KP) Bàn về chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, sáng 29/10, tại buổi thảo luận tại hội trường liên quan đến một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho rằng việc miễn thuế nhập khẩu cho các đối tượng này là cần thiết để khuyến khích hồi hương tài sản văn hóa có giá trị của Việt Nam. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với các cổ vật có giá trị để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, Dự thảo Luật hiện nay chỉ miễn thuế giá trị gia tăng cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu (được quy định tại Điều 5, Khoản 26, Điểm e) mà bỏ qua đối tượng là tổ chức, cá nhân.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thanh Thúy
Đại biểu nhấn mạnh, việc hồi hương các cổ vật về Việt Nam, đặc biệt là các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, chứng minh được những giá trị văn hóa dân tộc, lịch sử truyền thống dân tộc thì nhà nước hay tư nhân đều được hưởng vì những người quan tâm đầu tư cho đối tượng này đã là những người yêu văn hóa, tâm huyết với văn hóa. Họ mong muốn đưa những giá trị văn hóa đó về lại với quốc gia, dân tộc của mình để xác định chủ quyền văn hóa đối với những sản phẩm, những di vật, cổ vật đó - điều này cần phải khuyến khích. Đại biểu đề nghị ưu đãi theo mức không đánh thuế đối với các nhà sưu tập tư nhân khi họ hồi hương các di vật, cổ vật để bảo vệ và chỉ đánh thuế khi họ buôn bán trong nước để khuyến khích họ tham gia cùng với nhà nước đưa di vật, cổ vật đó hồi hương. Đại biểu lưu ý, cần tránh tư duy không quản được thì cấm, tạo nên những rào cản cho các tổ chức, cá nhân thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa.
* Chiều ngày 29/10, trong chương trình thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) có kiến nghị liên quan đến việc dự trữ muối quốc gia.
Theo đó, Kho Dự trữ muối quốc gia được khởi công năm 2012 tại vùng nguyên liệu muối Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu - vùng trọng điểm sản xuất muối lớn nhất ĐBSCL. Tuy nhiên, sau một thời gian thi công, công trình phải ngưng lại do Chính phủ chuyển giao nhiệm vụ dự trữ quốc gia mặt hàng muối ăn, Dự án được bàn giao về Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Do nhiều nguyên nhân, dự án không tiếp tục triển khai. UBND tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần đề nghị, kiến nghị Quốc hội, chất vấn Bộ Tài chính để chuyển giao nguyên trạng Dự án Kho dự trữ muối quốc gia từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho UBND tỉnh Bạc Liêu để địa phương tiếp tục đầu tư, quản lý và khai thác sử dụng nhưng chưa được cấp lại nguồn vốn đầu tư.
Đại biểu kiến nghị Bộ Tài chính sớm xem xét, có ý kiến đối với kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu, đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ bổ sung phần vốn còn lại để có thể thực hiện đầu tư hoàn thiện dự án, đảm bảo mục tiêu và hiệu quả đầu tư.
Cũng liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; đại biểu Trần Thị Hoa Ry cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật này để hoàn thiện thể chế, pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn phát sinh hiện nay. Đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế chính sách, xóa bỏ cơ chế xin - cho, khơi thông và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Để bảo đảm tính kịp thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và qua nghiên cứu hồ sơ trình, đã tương đối rõ không còn nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, nếu tiếp thu hoàn thiện tốt, tôi cũng thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự rút gọn trong một kỳ họp.
Ngoài ra, đại biểu Hoa Ry còn đóng góp đối với một số điều luật cụ thể, liên quan đến quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại Luật Chứng khoán. Đại biểu đề nghị làm rõ hơn nội hàm của doanh nghiệp, tổ chức quy mô lớn là gì để có căn cứ thực hiện, hoặc giao Chính phủ quy định ở Nghị định.
Đề xuất đối với mức tiền phạt hành chính trong kiểm toán độc lập tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đối với cá nhân. Thời hiệu xử phạt tài chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 5 năm. Đại biểu đề nghị làm rõ 2 vấn đề, một là cần làm rõ cơ sở sao lại là mức xử phạt hành chính tối đa 2 tỷ, 1 tỷ đồng mà không phải là một định mức khác; hai là cần quy định ràng buộc mức xử phạt, xử lý với giá trị quy định trong báo cáo kiểm toán. Với những báo cáo kiểm toán tài chính có giá trị lớn, mức xử phạt cao hơn. Tương ứng, với những báo cáo có giá trị nhỏ hơn thì mức xử phạt thấp hơn.
- Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh: Chú trọng thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở
- Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp
- Các hoạt động hướng về Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
- Mồ mả bị Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ, bồi thường ra sao?
- Đổi mới công tác khen thưởng: Coi trọng các tập thể, người lao động có thành tích xuất sắc