Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Giải pháp cho vấn đề điện chia hơi ở nông thôn
Cử tri tỉnh Bạc Liêu phản ánh, đất nước đã thống nhất được 42 năm nhưng nhiều khu vực thuộc các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh chưa có điện lưới kéo đến (người dân vùng này gọi là vùng “khát điện”). Trong khi đó, đặc điểm của vùng ĐBSCL là dân cư ở không tập trung, do đó việc đáp ứng các tiêu chí để kéo điện theo quy định là rất khó áp dụng tại đây. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh Bạc Liêu để tỉnh sớm kéo điện đến từng xóm, ấp cho người dân có điện sử dụng. Vì hiện nay còn rất nhiều tuyến không có điện mà phải chia hơi, tốn kém rất lớn (giá điện chia hơi có nơi trên 6.000 đồng/kWh), lại không an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng con người, hiện tại rất nhiều hộ dân vẫn phải sử dụng đèn dầu để sinh hoạt.
Trả lời vấn đề này, Bộ Công thương cho biết, Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Đối với khu vực ĐBSCL, bổ sung thêm mục tiêu là thực hiện cấp điện 3 pha từ lưới điện quốc gia cho các trạm bơm tưới quy mô vừa và nhỏ thuộc 13 tỉnh trong khu vực. Kết hợp với việc cấp điện cho khoảng 15.000 hộ dân nông thôn chưa có điện khu vực lân cận. Tuy nhiên, giai đoạn 2013 - 2020, với nguồn ngân sách Nhà nước hạn chế nên chủ yếu đưa điện về xã, thôn bản và hải đảo chưa có điện. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện cả nước đạt trên 98%, còn lại khoảng 2% là những khu vực vùng sâu, vùng xa biên giới và hải đảo là chưa được cấp điện.
Chương trình xóa hộ câu phụ của Công ty Điện lực Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Đối với tỉnh Bạc Liêu, dự án điện nông thôn giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh làm chủ đầu tư với quy mô cấp điện cho khoảng 18.800 hộ trong 254 thôn/ấp thuộc 39 xã của 5 huyện trên địa bàn tỉnh, vốn đầu tư 1.163 tỷ đồng, có khối lượng khoảng 1.120 trạm biến áp, khoảng 972km đường dây trung thế, khoảng 867 đường dây hạ thế. Trong đó, cấp điện cho khoảng 426 trạm bơm quy mô nhỏ và vừa đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho 67.749ha diện tích đất nông nghiệp. Giai đoạn đến hết năm 2016, nguồn vốn mục tiêu do ngân sách Nhà nước cấp là 30 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2016 - 2020, triển khai Nghị quyết số 73/NQ-CP, trong đó có Chương trình điện nông thôn miền núi và hải đảo. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và thẩm định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát bổ sung hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, dự kiến Chương trình cấp điện sẽ đầu tư trên địa bàn 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có dự án cấp điện nông thôn trên địa bàn 13 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL với mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt tiêu chí số 4 về điện.
Về nguồn lực thực hiện, việc cân đối với ngân sách Trung ương chỉ được khoảng 8%, còn lại Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp nhận nguồn vốn ODA từ các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Phát triển châu Á và Liên minh châu Âu cho chương trình. Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sử dụng các nguồn vốn ODA, Ngân hàng Thế giới để đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện phân phối đảm bảo khả năng truyền tải nguồn điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện khu vực nông thôn.
K.K (tổng hợp)
- Huyện Phước Long: Phấn đấu xóa dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát trong quý 1/2025
- Trên 9.000 trẻ mầm non, học sinh các cấp chưa đi học sau Tết
- Tầm viễn kiến chính trị, quyết sách sáng tạo và cương lĩnh hành động chiến lược đối với lực lượng Công an Nhân dân, trước thềm Kỷ nguyên mới
- Ra quân triển khai nhiệm vụ đầu năm 2025
- Các đồng chí nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng