Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Không tán thành hợp nhất 3 cơ quan: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND
Tại buổi thảo luận, đóng góp về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (gọi tắt là Dự án Luật), tổ 16 - gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Phú Yên và Quảng Bình đã thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp về Dự án Luật. Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu.
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Nguyễn Lập
Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội là nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) (về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội (về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả); đồng thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.
Việc chỉnh lý luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần có sự cân nhắc và đề nghị thông qua ở 2 kỳ họp sắp tới để có thời gian xem xét chu đáo. Về tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách theo Luật Tổ chức Quốc hội (điều 23), đại biểu đề nghị sửa khoản 2, điều 23 của Luật hiện hành theo hướng quy định tỷ lệ tối thiểu ĐBQH hoạt động chuyên trách với con số cụ thể ở mức cao hơn 35% để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ.
Đối với quy định về tư cách pháp nhân của Đoàn ĐBQH, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Đoàn ĐBQH và vai trò của ĐBQH hoạt động chuyên trách tại địa phương trong Luật Tổ chức Quốc hội. Đồng thời cần quan tâm động viên và có chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ công chức làm việc tại các Văn phòng Đoàn ĐBQH để sớm ổn định tư tưởng, yên tâm công tác khi tiến hành hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với các Văn phòng khác.
Để đảm bảo kinh phí và điều kiện cho Đoàn ĐBQH hoạt động, đại biểu Nguyễn Huy Thái đề xuất quy định theo hướng ngân sách Trung ương có trách nhiệm bảo đảm lương, chế độ, chính sách đối với các ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH và có sự quan tâm đến bộ máy giúp việc cho Đoàn ĐBQH, bảo đảm kinh phí cho hoạt động và trả lương cho đội ngũ công chức của bộ phận tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH.
Đặc biệt, nhiều ĐBQH không tán thành việc hợp nhất 3 Văn phòng (Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND và Văn phòng Đoàn ĐBQH) theo Dự thảo Luật. Bởi, quy định như vậy sẽ gây bất cập giữa cơ quan dân cử và cơ quan hành chính, kiểu như vừa đá bóng, vừa thổi còi.
KIM KIM
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024