Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri

Những vấn đề cử tri Bạc Liêu quan tâm được đưa lên bàn nghị sự

Thứ Tư, 01/11/2023 | 15:52

Trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 đến nay tại Hà Nội, trong rất nhiều phiên họp bàn về các vấn đề liên quan đến quốc sách, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều ý kiến tại hội trường cũng như ở các buổi thảo luận tổ. Đó cũng là những ý kiến tâm huyết của cử tri tỉnh Bạc Liêu, được các ĐBQH tỉnh nhà gửi gắm đến Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: K.P

Sách giáo khoa - một trong những vấn đề cử tri có nhiều ý kiến

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, câu chuyện sách giáo khoa (SGK) từ trước đến nay chiếm rất nhiều giấy mực của báo chí, thời gian của các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục, học sinh. Hiện tại, với thông tư mới liên quan đến việc quy định vấn đề xét chọn SGK mà Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến rộng rãi thì việc xét chọn SGK tiến hành trong cơ sở giáo dục phổ thông theo một quy trình: Hội đồng nhà trường không quá 15 người để xét chọn, có phụ huynh và học sinh tham gia; danh mục sau khi thông qua Hội đồng của nhà trường sẽ trình lên cấp trên trực tiếp và Chủ tịch UBND tỉnh là người có thẩm quyền để phê duyệt SGK.

Vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm là với một Hội đồng không quá 15 người thì liệu rằng vấn đề xét chọn có thật sự đảm bảo đầy đủ, phù hợp không? Đại biểu đề nghị phải làm sao để đảm bảo sự hài hòa trong kết quả xét chọn; phát huy vai trò tự chủ, nhất là phù hợp với năng lực giáo viên và học sinh của trường.

Vấn đề sạt lở khu vực ĐBSCL

Cũng trong kỳ họp này, có một vấn đề rất được lưu tâm đó là “đất và nước”. Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là câu chuyện về chức năng lập pháp của Quốc hội. Trong góc nhìn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vấn đề sạt lở đang là vấn đề nóng. Tuy nhiên, sạt lở đất còn liên quan đến vấn đề nguồn nước. Nhưng hiện tại chúng ta quan tâm nhiều đến sạt lở đất về mặt cơ học, tức là mất đất do sạt lở. Trước mắt, chúng ta thấy đất bị sạt lở mà không thấy xói mòn dinh dưỡng đất còn trầm trọng hơn. Chất đất càng ngày càng mất đi, nghèo nàn phù sa. Phân tích thì dòng sông Mê-kông từ hàng trăm năm, hàng triệu năm cần mẫn đưa phù sa về bồi đắp lên đồng bằng châu thổ Cửu Long. Nhưng cho đến bây giờ, dòng sông Mê-kông giảm lượng phù sa. Các đập thủy điện ở thượng lưu sông; lưu lượng, trữ lượng phù sa thay đổi; phù sa không kịp lắng đọng, bị cuốn ra biển chứ không bồi đắp cho đồng bằng. Cuộc sống sinh kế của hàng triệu người dân khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề.

Nói đến vấn đề này thì lại nhắc đến bài toán các ô đê bao. Chống lại biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khắp nơi ở ĐBSCL cũng đắp cát, ô đê bao ngăn mặn, nhưng đắp ô đê bao lại đồng thời làm cản trở bồi đắp phù sa một cách tự nhiên. Độ màu mỡ của đồng bằng sụt giảm, nhiều thứ ở ĐBSCL thay đổi. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cũng cần quan tâm đến vấn đề này, vì nó là nỗi lo chung của người dân khu vực ĐBSCL nói chung, người dân Bạc Liêu nói riêng.

Một số chế độ chính sách cần quan tâm

Trong các lần thảo luận tại hội trường cũng như thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nêu những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách cho người có công. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm đến vấn đề này, các chính sách đã cơ bản thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, cử tri tại nhiều địa phương phản ánh, hiện nay chính sách hỗ trợ cho người có công còn rất thấp so với mặt bằng chung. Trong khi giá cả thì ngày càng tăng cao nên cuộc sống của nhiều hộ chính sách khó khăn chồng khó khăn. Cử tri rất mong Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành quan tâm đến đối tượng này để có mức hỗ trợ tốt hơn, để họ có điều kiện sống tốt hơn.

Liên quan đến vấn đề việc làm cho thanh niên, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong thời gian qua, tỷ lệ thất nghiệp và không có việc làm của thanh niên có xu hướng tăng cao. Riêng quý 1/2023, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7,61% (gấp 3,38 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 2,25%). Nếu chúng ta không quan tâm mà cứ để tình trạng thất nghiệp kéo dài thì có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy, trong đó có tệ nạn xã hội; trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần phải có cơ chế chính sách, giải pháp căn cơ để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng thanh niên. Cụ thể là triển khai sớm chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp nhằm tạo môi trường để thanh niên được phát huy trí tuệ, sức sáng tạo. Đồng thời, Chính phủ có giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Kim Phượng (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.