Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Những vấn đề về giáo dục được cử tri quan tâm
Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã nhận được ý kiến phản ảnh của cử tri các ngành và địa phương với các nội dung liên quan đến việc kiến nghị xem xét hiện nay sách giáo khoa không thống nhất, mỗi nơi dạy một kiểu gây lãng phí cho người dân. Ngoài ra, cử tri kiến nghị điều chỉnh quy định chính sách đặc thù cho giáo viên mầm non, tuổi nghỉ hưu của đối tượng này là nữ, tối đa là 55 tuổi.
Cử tri xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình) kiến nghị với Quốc hội về nhiều vấn đề dân sinh. Ảnh: K.P
Liên quan đến các ý kiến này, Bộ GD-ĐT trả lời như sau:
Thực hiện Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chương trình quy định yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục trong các môn học và hoạt động giáo dục (chuẩn đầu ra của Chương trình là thống nhất trong toàn quốc). Căn cứ vào yêu cầu cần đạt trong chương trình, các bộ sách giáo khoa khác nhau sử dụng các văn bản, hình ảnh và cách thể hiện khác nhau nhưng đều phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông. Việc dạy học, kiểm tra đánh giá được thực hiện theo Chương trình và không theo các nội dung trình bày trong sách giáo khoa như trước đây (đề kiểm tra/đề thi có thể sử dụng các văn bản ngữ liệu ngoài các sách giáo khoa được biên soạn khi đáp ứng yêu cầu cần đạt trong Chương trình). Học sinh học bộ sách giáo khoa nào đều phải đảm bảo những yêu cầu được quy định trong Chương trình, vì vậy khi học sinh chuyển trường sẽ không ảnh hưởng đến việc sử dụng sách giáo khoa khác nhau. Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 33 ngày 22/12/2017 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa yêu cầu việc biên soạn, tổ chức thẩm định sách giáo khoa, đảm bảo chất lượng và sử dụng lâu bền, tránh lãng phí (sách giáo khoa được biên, soạn không có khoảng trống để học sinh điền thông tin hoặc yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp vào sách giáo khoa) để tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần.
Riêng đối với đề xuất về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ luật Lao động đã quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu; những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định. Giáo viên mầm non, giáo viên dạy môn giáo dục thể chất, quốc phòng - an ninh cũng như viên chức và người lao động thực hiện theo quy định này. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ LĐ-TB&XH bổ sung vào danh mục đối với giáo viên mầm non để có căn cứ đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non so với quy định.
KIM KIM (tổng hợp)
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024