Doanh Nghiệp - Doanh nhân
Phát triển doanh nghiệp năm 2019: Cần “cú hích” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Qua đó cho thấy, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và điều đó lại cần thiết hơn khi Bạc Liêu đang trong giai đoạn tăng tốc.
Một cơ sở đóng ghe xuồng ở huyện Hồng Dân.
Phát triển mới doanh nghiệp sẽ góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Lao động tại Công ty TNHH MTV Nhựa Tý Liên (huyện Phước Long). Ảnh: K.T
Nhiều chính sách hỗ trợ
Với mục tiêu mỗi năm thành lập mới 500 doanh nghiệp, những năm qua, Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch và giải pháp để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Một trong những chính sách quan trọng đó là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian, chi phí hành chính, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo nghề, ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thông đồng vốn đầu tư từ chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp...
Điển hình trong thực hiện đơn giản hóa TTHC, đến nay 100% các ngành, địa phương đều thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đặc biệt, vào tháng 4/2019, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh chính thức đi vào hoạt động, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, giải quyết hơn 120 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh và 9 lĩnh vực của các cơ quan ngành dọc tại địa phương (với tổng số 1.011 TTHC). Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giải quyết tốt TTHC liên quan đến doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí, tránh phiền hà và nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tăng cường thu hút đầu tư của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp; kịp thời giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền. Tiếp tục triển khai Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh đến năm 2020 với mục tiêu chung là xây dựng hệ thống quản lý, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như: tư vấn doanh nghiệp kinh doanh xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở; hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu xây dựng quy trình quản lý chất lượng xăng, dầu theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001…
Song song đó, tỉnh cũng thực hiện minh bạch hóa thông tin, đảm bảo cho doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận thông tin về quy hoạch, kế hoạch và đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước, chính sách về thuế... để phát triển sản xuất, kinh doanh và giảm chi phí.
Doanh nghiệp “không chịu lớn”!
Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ và đồng hành, nhưng có một bất cập là nhiều doanh nghiệp trong tỉnh “không chịu lớn”!...
Từ năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 112 về kế hoạch hành động năm doanh nghiệp 2018 và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, có nội dung phát triển doanh nghiệp từ nguồn hộ kinh doanh; chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch vận động phát triển doanh nghiệp và giao trách nhiệm cho các phòng chuyên môn tổ chức đoàn đi vận động các hộ kinh doanh có mức thuế môn bài bậc 1 chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Thế nhưng, từ năm 2018 đến nay, kế hoạch thành lập 500 doanh nghiệp/năm vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử như năm 2018, toàn tỉnh có 18 hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng đến năm 2019 đã có 10 hộ kinh doanh nộp hồ sơ xin giải thể!
Trên thực tế, việc thành lập mới doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chính là năng lực quản trị và ngại khó khi phải thực hiện quá nhiều quy định, thủ tục; trong khi phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh hiện nay chủ yếu quản lý kinh doanh theo tập quán và quy mô hộ gia đình. Đó là chưa nói đến nhiều hộ kinh doanh có những bí quyết nghề nghiệp riêng, hoặc lâu nay dùng "chiêu trò" trốn thuế nên cũng không muốn thuê người ngoài vào làm cho gia đình.
Thêm vào đó, Bạc Liêu tuy có thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng phần lớn tập trung ở việc giải quyết các TTHC, còn các chính sách khác liên quan đến đầu tư trực tiếp thì chưa nhiều. Cụ thể là từ năm 2016 đến nay, Bạc Liêu không có vốn bố trí, giải ngân hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo do ngân sách địa phương còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy đã có hiệu lực thi hành (vào ngày 1/1/2018), các nghị định hướng dẫn thi hành cũng đã có, nhưng đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa và áp dụng cho doanh nghiệp. Điển hình như về tín dụng, mặc dù ngân hàng đã triển khai nhiều gói hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp cận; các chính sách hỗ trợ riêng lẻ chưa có sự thống nhất, chưa tạo được mối liên kết giúp doanh nghiệp phát triển bền vững…
Một nguyên nhân sâu xa khác là đội ngũ những người sản xuất, kinh doanh trong tỉnh còn thiếu “khát vọng” khởi nghiệp. Bởi, không ít doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký đầu tư vào Bạc Liêu và họ đã làm giàu trên mảnh đất này, còn các hộ sản xuất, kinh doanh của tỉnh thì không muốn phát triển thành doanh nghiệp?!
Để giải quyết những khó khăn hiện nay và thực hiện thắng lợi mục tiêu thành lập mới 500 doanh nghiệp/năm, ngoài khơi dậy “khát vọng” làm giàu từ các hộ sản xuất, kinh doanh, tỉnh cần nghiên cứu và ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo “cú hích”. Đây không chỉ là nhu cầu bức thiết để xây dựng và tạo nên nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, mà còn là điều kiện cần để nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.
KIM TRUNG
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ