Doanh Nghiệp - Doanh nhân
Ứng phó với dịch Covid-19: Doanh nghiệp “gồng mình” trong khó khăn
Theo phản ánh của doanh nghiệp, chưa bao giờ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Chưa ai dám khẳng định “dịch COVID-19 bao giờ sẽ kết thúc?” càng đẩy doanh nghiệp vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Không sản xuất thì công nhân bị mất việc, còn tiếp tục duy trì thì doanh nghiệp phải “còng lưng” gánh thêm hàng loạt các chi phí phát sinh mà không có khoản lợi nhuận nào có thể bù đắp nổi!
Ông Trần Tuấn Khanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Trang Khanh (bìa phải) phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp với Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (giữa).
ĐỐI MẶT VỚI THUA LỖ
Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gần như “thấm đòn”, trong đó ngành chế biến thủy sản xuất khẩu vốn là thế mạnh kinh tế hàng đầu của tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo ông Trần Tuấn Khanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Trang Khanh (phường 5, TP. Bạc Liêu): “Từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng. Cái khó của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay không phải không có thị trường tiêu thụ mà chính là người dân ở các nước bị ảnh hưởng dịch COVID-19 không họp chợ hay đi mua sắm tiêu dùng ở các siêu thị nên hàng xuất đi bán không được. Chẳng hạn như thị trường Trung Quốc, từ tháng 2 đến nay đã giảm gần 90% lượng xuất”.
Khó khăn này, đã làm phát sinh hàng loạt các chi phí không đáng có. Cụ thể, để giữ chân công nhân và tạo mối quan hệ mua bán lâu dài với người nuôi tôm, doanh nghiệp xuất khẩu phải tiến hành thu mua tôm nguyên liệu phục vụ chế biến. Khổ nỗi hàng làm ra nhiều, nhưng xuất khẩu không phải được phải đưa vào kho đông dự trữ, tính riêng tiền điện của Công ty Trang Khanh mỗi tháng cũng tiêu tốn thêm gần 200 triệu đồng. Đó là đối với doanh nghiệp đã xây dựng được kho đông, còn những doanh nghiệp không có kho phải thuê kho dự trữ hàng chờ xuất thì chi phí phát sinh sẽ là con số hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng nếu như hàng cứ phải nằm chờ mà không xuất đi được.
Sản xuất hàng hóa nhiều nhưng không có thị trường tiêu thụ, cũng đồng nghĩa với việc đồng vốn vay của các doanh nghiệp xuất khẩu bị “đóng băng” không thể sinh lãi và đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh nợ quá hạn, nợ xấu và mất khả năng thanh toán. “Nếu tình trạng này còn kéo dài, Bạc Liêu sẽ có hàng loạt doanh nghiệp thủy sản phải tuyên bố phá sản vì nợ nần, đó là điều tất yếu”, một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khẳng định. Bởi hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hiện nay có nơi đã vượt lên con số gần 1.000 tỷ đồng và với lãi suất phải đóng cho các ngân hàng từ 7 - 8%/năm như hiện nay, doanh nghiệp thật sự quá sức chịu đựng!
Không chỉ có thị trường xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề, mà ngay cả thị trường tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay gần như quá “đuối sức”. Bà Phan Thị Loan, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Tùng Loan (huyện Phước Long), cho biết: “Nếu như trước đây công ty cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa khoảng 10 tấn tôm đông/ngày, thì hiện nay chưa được 1 tấn/ngày. Riêng chế biến xuất khẩu, hàng xuất đi không được, giá xuất lại giảm gần 10.000 đồng/kg so với trước đây. Sản xuất không có lãi, chi phí phát sinh quá nhiều nên công ty đã cho gần 400 công nhân tạm nghỉ việc”.
Cùng với xuất khẩu, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử như trong hoạt động thương mại, sức mua đã giảm hơn 50%. Cụ thể, tại Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu, từ tháng 2/2020 đến nay, doanh thu đã giảm gần 40%. Rồi nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh khác cũng nằm trong cảnh ế ẩm, vắng khách, nhất là các ngành hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ du lịch thay nhau đóng cửa, trả mặt bằng…
Hàng quán tại Khu du lịch Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) vắng vẻ thực khách. Ảnh: L.D
TẬP TRUNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và có điều kiện duy trì ổn định sản xuất, Chính phủ và tỉnh Bạc Liêu cần có ngay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, hạ lãi suất, giảm, miễn và gia hạn nộp thuế, tiền điện trong thời gian dự trữ hàng hóa…
Với quyết tâm kịp thời chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11 “Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19”.
Theo đó, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2019.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, sau chuyến công tác của Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1020 về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Sở Kế hoạch - Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung quán triệt, khẩn trương tham mưu, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 11/CT-TTg; đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, tín dụng, thuế, hải quan… Có kế hoạch cụ thể đẩy nhanh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; công bố công khai việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp để biết và giám sát thực hiện.
Bên cạnh đó, giao Sở Tài chính trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, thực hiện rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí gửi UBND tỉnh trước ngày 18/3/2020, trình Bộ Tài chính xem xét; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất việc giảm tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19; trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo Trung ương xem xét, xử lý; giao Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội tỉnh xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các vấn đề về lương và chế độ người lao động tạm nghỉ việc tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19; giao Sở Công thương xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giảm tiền điện lưu kho cho hàng hóa của doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp cho thị trường đầu ra sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp…
Với việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vượt khó cùng doanh nghiệp, hy vọng doanh nghiệp tỉnh nhà sẽ sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
LƯ TRUNG
Tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, các ngành và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch để kịp thời chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
* Ông Võ Đông Xuân, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu: Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về thuế
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch COVID-19 gây ra, góp phần giúp người nộp thuế vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh, Cục Thuế tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về thuế. Cụ thể là đối với doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn. Căn cứ Luật Quản lý thuế hiện hành thì doanh nghiệp thực hiện lập các hồ sơ, thủ tục theo quy định, đề nghị gia hạn nộp thuế hoặc đề nghị miễn tiền chậm nộp tiền thuế, gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được xem xét, giải quyết theo quy định.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh của một số ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trường hợp qua số liệu xác minh, kiểm tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán, thì hộ, cá nhân kinh doanh gửi văn bản đề nghị đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được xem xét và hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ để kịp thời xác định lại doanh thu khoán cho phù hợp theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành.
* Ông Lê Văn Măng, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Văn bản số 1117 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã ban hành văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng vay vốn do dịch COVID-19 để thực hiện như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ khách hàng ảnh hưởng do dịch COVID-19 và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 - 31/3/2020 cho đến khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất - kinh doanh.
* Ông Trần Lê Quyết, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu: Đồng hành và chia khó cùng doanh nghiệp
Để kịp thời đồng hành và chia khó cùng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu (Vietcombank Bạc Liêu) đã chủ động rà soát và làm việc trực tiếp với phần lớn khách hàng của Vietcombank có hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng như: lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu… để hỗ trợ khách hàng.
Kể từ khi triển khai đến nay, Vietcombank Bạc Liêu đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn (giảm 1%/năm) đối với 3 khách hàng, tổng hạn mức giảm lãi suất là 50 tỷ đồng và đang xem xét cơ cấu nợ cho một khách hàng kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, tổng hạn mức là 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietcombank Bạc Liêu cũng đã đưa ra nhiều mức lãi suất cho vay ưu đãi khác nhau để khách hàng lựa chọn, phù hợp với chu kỳ kinh doanh của từng khách hàng, đảm bảo tiết giảm chi phí và nâng cao khả năng thanh toán. Đồng hành cùng với khách hàng vượt qua khó khăn, trong thời gian tới Vietcombank Bạc Liêu tiếp tục chủ động rà soát và hỗ trợ giảm lãi suất đối với các khách hàng có ảnh hưởng đến dịch bệnh, đảm bảo các khách hàng của Vietcombank Bạc Liêu an tâm trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
K.T (thực hiện)
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ