Bấp bênh nghề chạy xe ôm

Thứ Sáu, 11/11/2022 | 15:35

Trước đây, khi nghề chạy xe ôm, xe vua còn thịnh hành đã mang lại thu nhập khá cho nhiều người. Ngày nay, trước sự cạnh tranh và bùng nổ của các loại hình xe công nghệ, nghề chạy xe ôm cũng dần mất đi chỗ đứng. Tuy vậy, vì gánh nặng áo cơm, cũng như không có sức khỏe và điều kiện để chuyển sang công việc khác nên nhiều người vẫn lay lắt bám trụ với nghề, mong kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.  

Ông Trần Văn Chánh vận chuyển hàng cho khách. Ảnh: T.Q

Vì cuộc mưu sinh

Gần 5 năm trở lại đây, xe công nghệ, taxi, xe buýt phát triển, cộng thêm giá thành xe gắn máy cũng không quá đắt, nên hầu như nhà nào cũng có phương tiện đi lại, vì thế mà nghề chạy xe ôm không còn thịnh hành.

Hiện chỉ còn rất ít người hành nghề chạy xe ôm, thường tập trung ở bến xe, bệnh viện, góc chợ, các trạm dừng xe buýt... Công việc xe ôm không cố định giờ giấc, có khi rời khỏi nhà từ sáng sớm và trở về lúc tối muộn. Mỗi ngày, nếu chạy được 3 - 5 cuốc xe, thì sau khi trừ tiền xăng cũng chỉ còn lại khoảng 100.000 - 120.000 đồng. Với mức thu nhập này, nuôi bản thân trong thời buổi “vật giá leo thang” đã khó, trong khi nhiều tài xế xe ôm lại là lao động chính, gánh hết mọi chi tiêu trong gia đình.

Gần 20 năm gắn bó với nghề chạy xe ôm, cái nghề này đã giúp ông Lê Văn Lầu (khóm 5, Phường 7, TP. Bạc Liêu) nuôi 2 người con học hành đến nơi đến chốn. Ông Lầu chia sẻ: “Thời ấy, phương tiện di chuyển ít, taxi, xe buýt chưa thông dụng nên nhiều người lỡ chuyến, lỡ việc, đoạn đường có xa đến mấy thì họ cũng tìm xe ôm để đi. Còn bây giờ, mỗi ngày từ 5 giờ sáng, tôi đã có mặt tại Bến xe Bạc Liêu, nhưng cũng chỉ chạy được từ 3 - 5 cuốc/ngày. Rất nhiều người chuyển sang nghề khác để có thu nhập cao hơn”.

Không những thu nhập bấp bênh, nghề chạy xe ôm còn đòi hỏi người lái xe phải kiên trì, nhẫn nại, chấp nhận rủi ro đi trên đường và phải đồng hành với mọi đối tượng khách... Do vậy, với những người chọn nghề xe ôm, ngoài việc phải thuộc các tuyến đường, họ còn trang bị cho mình kỹ năng phòng vệ, ứng xử.

Mong ước giản dị

Trên địa bàn TP. Bạc Liêu hiện chỉ còn lác đác hơn chục chiếc xe vua (xe đạp kéo), chủ yếu dùng để chở hàng hóa. Những người mưu sinh bằng nghề đạp xe vua hầu như đều ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhỏ tuổi nhất cũng ngoài 50. Đa phần những người bám trụ với nghề này đều có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, cứ 5 giờ sáng là ông Trần Văn Chánh (hẻm 1, Phường 7, TP. Bạc Liêu) lại có mặt bên hông Trường THCS Trần Huỳnh chờ khách. Ông Chánh gắn bó với nghề đạp xe vua đến nay đã 30 năm. Trước đây chở người là chính, còn bây giờ chủ yếu chở hàng hóa. Mỗi cuốc xe chở hàng luôn chan đầy mồ hôi, nhất là những khi lên cầu, lên dốc, mệt tưởng chừng như đứt hơi mới có thể nhích lên từng mét. Cực nhọc là vậy nhưng thu nhập chẳng là bao.

Cùng đồng hành với ông Chánh còn có ông  Lộc, ông Hiếu. Cả 3 người đều có hoàn cảnh khó khăn giống nhau, trong đó ông Lộc là khó khăn nhất. Thương cho hoàn cảnh của họ, nhiều nhà hảo tâm, nhất là những khách hàng thân thuộc ngày trước thường ghé cho gạo, cơm từ thiện…

Dễ đến với nghề nhưng không dễ kiếm tiền là tình trạng chung của nghề chạy xe ôm, đạp xe vua. Hiện nay, dù lượng khách thưa vắng, nhưng họ vẫn nhẫn nại chờ khách, vẫn cần mẫn bám trụ nghề với ước mong đến cuối mỗi ngày sẽ kiếm được một khoản tiền đủ để trang trải sinh hoạt trong ngày, để các thành viên trong gia đình được no bụng, có sức khỏe để nuôi tiếp ước mong cho ngày sau…

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.