Đời sống - Xã hội
Bấp bênh nghề nhặt phế liệu
Nhặt nhạnh từng vỏ chai, bọc nylon, tấm bìa carton, đến từng mẩu phế liệu để bán là công việc đã giúp nhiều người nghèo, nhất là người già có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Thành quả sau một ngày lao động vất vả của người nhặt phế liệu. Ảnh: T.L
Bất kể ngày nắng hay mưa, những người nhặt phế liệu bươn chải khắp các nẻo đường, thậm chí là bươi móc những sọt rác, bãi rác để nhặt nhạnh từng thứ người khác bỏ đi đem bán, tích góp từng đồng để trang trải cuộc sống.
Những người nhặt phế liệu thường sống ở nhà trọ hoặc trong những căn nhà xập xệ, cũ nát. Rất dễ để nhận ra nơi trú ngụ của họ với hình ảnh những chiếc bao đựng phế liệu to đùng ngay lề đường, trước phòng, những món đồ nhựa, sắt vứt chỏng chơ, lộn xộn trong phòng.
Chồng làm nghề phụ hồ thu nhập bấp bênh, nhà không có đất sản xuất lại nuôi đến 6 đứa con nhỏ dại, để phụ chồng kiếm thêm thu nhập, ngày ngày chị Huỳnh Thị Đành (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) cùng các con vào các chợ, khu dân cư nội ô TP. Bạc Liêu để nhặt phế liệu. Gom góp, nhặt nhạnh từng món đồ bỏ đi, mỗi ngày bán được vài chục ngàn đồng. Thương hoàn cảnh mấy mẹ con, thỉnh thoảng có người cho quần áo, thực phẩm giúp cả nhà vơi bớt một phần khó khăn. “Bản thân tôi ốm yếu, không đủ sức làm việc nặng nhọc lại đông con, nhờ công việc nhặt phế liệu này giúp có thêm đồng vô đồng ra, giúp nồi cơm gia đình không bị thiếu hụt mỗi ngày”, chị Đành tâm sự.
Vì mưu sinh, những người nhặt phế liệu phải nhọc nhằn, vất vả sớm hôm. Vất vả là vậy, họ còn đối diện nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc với các chất rác thải hôi hám, độc hại, ngoài ra trong lúc bới rác nhặt đồ không cẩn thận còn trúng phải kim tiêm, mảnh chai vỡ, đồ vật sắc nhọn...
Mỗi người một hoàn cảnh và những vất vả, cơ cực khác nhau, nhưng họ vẫn chắt chiu niềm tin, hy vọng, bằng sức lao động chân chính của bản thân để nuôi sống bản thân, gia đình, có người còn lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Và những người nhặt phế liệu cũng góp phần giúp cho phố phường sạch hơn, cho mỗi ngôi nhà thêm gọn gàng, ngăn nắp.
Thùy Lâm