Đời sống - Xã hội
BHXH Bạc Liêu: Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo tinh thần Nghị quyết 42
Nghị quyết 42 của Ban Chấp hành Trung ương 8 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, có các mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đến năm 2030.
Lao động phổ thông cần tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có điểm tựa tài chính vững chắc khi mất sức lao động.
THAM GIA GIẢI QUYẾT AN SINH XÃ HỘI
Một trong những mục tiêu tổng quát được nêu ra trong Nghị quyết 42 là xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững. Tạo cơ hội cho người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược này, việc tập trung thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cho Nhân dân là rất quan trọng. Thời gian qua, việc phát triển BHXH, BHYT cho người dân và lao động còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt là lao động trong các doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã - nhóm bắt buộc phải tham gia nhưng tỷ lệ tham gia BHYT lại rất thấp. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh cố tình trốn đóng thông qua khai báo số lao động thấp hơn thực tế, hoặc ghi số tiền lương thấp hơn thu nhập thực tế, hay chỉ ghi mức lương tối thiểu trong hợp đồng lao động, còn số tiền thực hưởng lại được ghi vào các khoản khác. Mặt khác, đây lại là nhóm có sức khỏe, có mức đóng cao, tần suất sử dụng dịch vụ thấp nên có thể chia sẻ, bù đắp cho các nhóm khác và thể hiện tính cộng đồng. Nếu lực lượng lao động này không tham gia đầy đủ, hoặc tham gia với tỷ lệ thấp thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, chi của Quỹ BHYT. Riêng nhóm lao động tham gia BHYT theo diện hộ nông - lâm - ngư nghiệp còn dư địa rất lớn nhưng các địa phương vẫn chưa khai thác hết.
Ngoài ra, số người tham gia BHYT hằng năm vẫn chưa mang tính ổn định. Thậm chí, ngay cả các địa phương đã được công nhận nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu với quy định tỷ lệ người dân tham gia BHYT phải đạt trên 90%. Đáng quan tâm nữa là do ảnh hưởng các chính sách và quy định mới nên người dân sinh sống ở vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh không còn được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT.
Nâng cao chất lượng dịch vụ trong khám, chữa bệnh sẽ góp phần phát triển tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: K.T
THI ĐUA HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU
Theo Nghị quyết 42, đến năm 2030, toàn quốc có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH và có 45% tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; trên 95% dân số tham gia BHYT và có trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả. Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Nghị quyết 42 cũng đề ra nhiều giải pháp. Đó là chú trọng phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ được toàn bộ lực lượng lao động. Đồng thời, tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống BHXH, tạo cơ hội tham gia và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động (NLĐ).
Bên cạnh đó, tích cực thực hiện BHXH bắt buộc đối với NLĐ và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật. Không ngừng đổi mới chính sách BHXH tự nguyện, có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia. Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân và đa dạng các gói dịch vụ BHYT, nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe người dân và giảm chi phí chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế.
Song song đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN và ban hành chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia. Quản lý an toàn, hiệu quả Quỹ BHXH và BHYT. Sửa đổi chính sách BHXH một lần phù hợp với thực tiễn, gắn với an sinh xã hội. Chính sách BHTN phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ để duy trì việc làm bền vững. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp và nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động thất nghiệp…
Song, muốn thực hiện tốt các giải pháp này phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vì thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT chính là góp phần quan trọng vào công tác an sinh và công bằng xã hội. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT và buộc các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động phải tuân thủ pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và làm ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trong tham gia thực hiện chính sách này. Đồng thời, nhân rộng và phổ biến các mô hình, cách làm hay trong việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT và mạnh dạn nói không với bệnh thành tích, chạy theo phong trào mà quên đi trách nhiệm trong thực hiện tốt mục tiêu BHYT ở các xã đã được công nhận NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
TÚ ANH
- Quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Tăng cường công tác y tế đảm bảo đón tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm quy định về môi giới bảo hiểm
- Huyện Đông Hải: Vận động Quỹ Vì người nghèo được hơn 2 tỷ đồng
- Tập trung triển khai Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số