Cảnh báo nhiều nguy hại từ rác thải

Thứ Sáu, 20/09/2024 | 15:46

Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Trong đó, việc xử lý rác thải và tái sử dụng rác thải như một thứ tài nguyên được xem là giải pháp ưu tiên trong BVMT cho phát triển bền vững.

Chi cục Bảo vệ môi trường tặng thùng phân loại rác hữu cơ và rác tái chế cho Hội LHPN Phường 2 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A

Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật và tạo ra hệ lụy cho tương lai. Trong đó, chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác đã tác động trực tiếp vào môi trường. Đặc biệt, chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý chất thải hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước và cả cảnh quan. Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải cao nhất cũng chỉ dừng ở con số hơn 80% và cả tỉnh Bạc Liêu chỉ có 7 bãi chôn lấp rác thải. Đáng quan tâm là việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai mở rộng, kéo theo đó là tình trạng đổ rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị. Đó là chưa kể nước rò rỉ từ rác sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, chất độc hại trong nước sẽ tích lũy trong thực phẩm như: rau, tôm, cá..., gây bệnh cho con người khi ăn phải thực phẩm này và làm tôm, cá chết và cả các vi sinh vật có lợi trong môi trường nước.

Một vấn đề đáng quan tâm khác, ngoài các khu đô thị, việc thu gom, xử lý rác thải còn đúng chuẩn, thì phần lớn rác thải ở vùng nông thôn với hình thức xử lý chủ yếu là chôn lấp. Việc chôn lấp rác không đúng quy định làm ruồi nhặng, chuột, chim... quy tụ, khi di chuyển đến nơi khác chúng sẽ mang theo mầm bệnh, chất độc đến các hộ gia đình, cộng đồng và gây nhiễm bệnh. Do vậy, không nên  chôn lấp rác thải bừa bãi mà cần phân loại rác để tái sử dụng. Các loại rác thải không thể tái chế được cần xử lý trong các bãi rác hợp vệ sinh hoặc đốt bằng lò đốt chuyên dụng, nhất là chất thải nhựa độc hại. Theo thống kê của các tổ chức thế giới về môi trường, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới, song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Trong khi đó, túi nylon được sản xuất từ nhựa polyethylene có nguồn gốc từ dầu mỏ nên quá trình tự phân hủy của nó diễn ra rất chậm. Ở bên ngoài môi trường, túi nylon gây tắc nghẽn cống rãnh, bị gió thổi cuốn ra đại dương gây nguy hiểm cho các loài sinh vật biển. Khi bị vùi lấp trong đất, túi nylon cản trở quá trình lưu chuyển tự nhiên của nước và không khí vào đất, cản trở sự phát triển của hệ thực vật, dẫn đến xói mòn, thoái hóa đất. Còn khi đốt, túi nylon phát sinh nhiều khí độc hại và các tác nhân gây ung thư…

Với những tác hại từ rác thải, cộng đồng hãy chung tay BVMT và nói không với nạn vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường các giải pháp về BVMT trong việc xem rác thải là tài nguyên thông qua tái sử dụng lại rác thải phục vụ cho cuộc sống (như tái sử dụng chất thải sinh hoạt làm phân hữu cơ bón cho cây trồng). Cũng như kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

TÚ ANH

Rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường ở Phường 1 (TP. Bạc Liêu).

Theo khuyến cáo của Chi cục BVMT, người dân ở vùng nông thôn xa xôi, các hộ gia đình phải tự thu gom, xử lý tại chỗ, cần đào các hố rác để chôn lấp tại vị trí phù hợp hoặc vào mùa nắng có thể xử lý bằng phương pháp đốt. Song, để hạn chế những tác hại do việc đốt rác gây ra, các gia đình cần phải tiến hành phân loại rác thải, tách riêng các loại chất thải như: chai nhựa, cao su, túi nylon…

Đối với người tiêu dùng, để BVMT nông thôn, cần giảm sử dụng túi nylon, phát huy mô hình sử dụng giỏ xách đi chợ thay cho túi nylon. Đối với các tiểu thương, các đơn vị bán lẻ cần sử dụng túi nylon tự hủy sinh học được làm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ (bột bắp, bột mì) dưới tác động của vi sinh vật, bao bì sẽ chuyển hóa thành những chất hữu cơ đơn giản, dễ hòa tan hoặc phân hủy thành khí carbonic và nước, không gây ô nhiễm môi trường.

--------------------------

NGHỊ ĐỊNH 45/2022/NĐ-CP NGÀY 7/7/2022 QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BVMT

c) Phạt tiền từ 0,5 - 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này; d) Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.

Khoản 1, Điều 26. Vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường: Phạt tiền từ 0,5 - 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Mức phạt:

Mức phạt theo Nghị định 45 là mức phạt đối với cá nhân và mức đối với tổ chức gấp hai lần. Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định mẫu môi trường vượt quy chuẩn. Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định.

Thẩm quyền xử phạt:

Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 5 triệu đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10 triệu đồng.

Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 100 triệu đồng; c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 0,5 triệu đồng.

Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 điều này có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 1,5 triệu đồng.

Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 2,5 triệu đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5 triệu đồng.

Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25 triệu đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50 triệu đồng…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.