Cấp bách đầu tư công trình thủy lợi cho vùng sản xuất lúa

Thứ Hai, 30/09/2024 | 16:42

Vĩnh Lợi là huyện cửa ngõ của tỉnh và cũng là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của thời tiết, cùng với hệ thống hạ tầng thủy lợi thiếu, yếu và chưa đồng bộ đã khiến người dân ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất.

Ông Trần Anh Thi - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi (bìa phải) cùng lãnh đạo các xã thuộc vùng trũng của huyện khảo sát các điểm ngập úng nặng do không có trạm bơm trong vụ lúa hè thu 2024. Ảnh: C.L

Chưa chủ động trong điều tiết nước

Châu Thới, Vĩnh Hưng và Vĩnh Hưng A là 3 xã thuộc vùng trũng thấp của huyện Vĩnh Lợi. Điều kiện địa hình này đã gây ra nhiều bất lợi, cụ thể là tình trạng thiệt hại do ngập úng cục bộ gây ra. Vụ lúa hè thu 2024 vừa qua, từ đầu vụ cho đến lúc lúa trỗ, ruộng lúa phát triển rất tốt, được thương lái đặt cọc với giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg lúa. Ấy vậy mà khi sắp đến kỳ thu hoạch, mưa kéo dài nhiều ngày, mặc dù nhiều người đã đặt máy bơm tháo nước cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không sao cứu nổi ruộng lúa.

Ông Văn Minh Tường - nông dân xã Châu Thới, cho biết: “Trước đây, khu vực này sản xuất được 3 lúa vụ/năm, thế nhưng khoảng 3 năm trở lại đây bà con chỉ làm được 2 vụ, còn vụ thu đông thì xả đồng, bởi không có trạm bơm tập trung, nông dân không dám đánh liều. Nếu không được đầu tư trạm bơm và điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi như hiện tại thì sắp tới đây, chắc chỉ làm được 1 vụ/năm”. Không riêng gì ông Tường mà hàng trăm hộ dân ở 3 xã vùng trũng của huyện Vĩnh Lợi cũng lâm vào hoàn cảnh lúa nằm đồng, nảy mầm vì không thể thu hoạch do nguồn nước ngập sâu, máy cắt không thể vào thu hoạch.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, trước đây, các ô đê bao được đầu tư hoàn thiện (bờ bao kiên cố, cống bê-tông, trạm bơm điện tập trung) phục vụ canh tác lúa khá tốt góp phần quyết định rất lớn đến bảo vệ an toàn cho sản xuất và nâng cao được hiệu quả sản xuất, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện chỉ có 8 ô đê bao được đầu tư hoàn thiện, chỉ phục vụ khoảng 1.200/17.052ha (tương đương 7%) diện tích canh tác lúa của toàn huyện. Phần lớn diện tích còn lại chủ yếu có bờ bao chỉ đủ tạm để người dân bơm tát tập trung nên việc ứng phó với tình trạng ngập còn rất hạn chế. Mặc dù huyện đã rất quan tâm đầu tư để hoàn thiện dần các ô đê bao nhưng với nguồn kinh phí hạn chế (chủ yếu vốn cấp bù thủy lợi phí, vốn hỗ trợ cây lúa nước hằng năm) nên không thể thực hiện đầu tư thêm nhiều ô đê bao. Theo ông Tô Thanh Hải - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi: “Trong khi chờ kinh phí đầu tư của Trung ương và tỉnh, địa phương cũng đã cân đối nguồn vốn, thủy lợi phí, đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ để khép kín các tiểu vùng, hệ thống cống, bờ bao, trạm bơm để phục vụ sản xuất trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài thì nông dân rất cần những khu ô đê bao khép kín cùng những trạm bơm tập trung để yên tâm sản xuất”.

Rất cần những công trình

Để đảm bảo chủ động kiểm soát nguồn nước, giảm thiểu thiệt hại do ngập úng, phát triển ổn định, bền vững đối với diện tích lúa, hoa màu tại các xã vùng trũng trên địa bàn, UBND huyện Vĩnh Lợi đã đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các ô đê bao khép kín phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn huyện. Trong đó tập trung ưu tiên cho 3 xã vùng trũng là Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A và Châu Thới với 15 công trình ô khép kín để phục vụ sản xuất cho 3.485ha canh tác lúa và hoa màu, tổng kinh phí xây dựng là 143,5 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo hệ thống thủy lợi khép kín, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến sản xuất lúa phát thải các-bon thấp, mang lại giá trị gia tăng ngày một cao hơn cho ngành Nông nghiệp tỉnh cũng như bản thân người nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.

Không chỉ 3 địa phương thuộc vùng trũng của huyện cần được đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, khép kín mà hiện nay, hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt trên địa bàn 2 xã Hưng Hội, Hưng Thành cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian qua cũng đã xảy ra tình trạng nước mặn rò rỉ, xâm nhập vào nội đồng trong những tháng mùa khô gây thiệt hại lúa, hoa màu của nông dân. Do đó, việc duy tu, nâng cấp, sửa chữa các tuyến cống này cũng cần được tính đến, nhất là trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng diễn ra gay gắt, trong khi mùa khô 2024 - 2025 đang đến gần.

Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như xâm nhập mặn kéo dài và không còn diễn ra theo chu kỳ, tình trạng mưa bão, lũ lụt ngày càng diễn biến bất thường... Vì vậy, bên cạnh các giải pháp đang được ngành chức năng triển khai, người dân cần thường xuyên quan tâm theo dõi dự báo tình hình thời tiết, thủy văn để bố trí sản xuất hợp lý. Riêng nông dân tại các địa phương thuộc vùng trũng của tỉnh cần chủ động gia cố bờ bao, đê bao; thực hiện các biện pháp tiêu úng bằng nguồn lực sẵn có nhằm giảm thiểu thấp nhất khả năng thiệt hại có thể xảy ra.

Theo ông Trần Anh Thi - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi: Để đảm bảo tình hình sản xuất cho nông dân trong những mùa vụ tiếp theo, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương trong huyện chuẩn bị các phương án điều tiết nước tại các hệ thống thủy lợi, kênh tiếp nước, nhằm có sự chủ động từ sớm, từ xa để đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại sản xuất cho bà con tại các khu vực vùng trũng. Về lâu dài, huyện cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi khép kín tại các vùng đê bao ngoài để điều tiết chủ động việc tiêu nước, cấp nước một cách hài hòa.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.