Câu chuyện ly hương​ những ngày sau Tết

Thứ Tư, 12/02/2025 | 16:13

Sau những ngày sum họp cùng gia đình, người thân vui xuân, đón tết, nhiều lao động từ các vùng quê trên địa bàn tỉnh lại bắt đầu hành trình ly hương với mong muốn “cái Tết sau cuộc sống gia đình sẽ sung túc, đủ đầy hơn”.

Bấp bênh cuộc sống xa quê

Để tìm cuộc sống ổn định nơi “đất khách quê người” không phải dễ bởi chi phí ở những thành phố lớn thường đắt đỏ. Riêng tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt, đi lại… cũng đã chiếm một khoản không nhỏ trong tổng thu nhập hằng tháng của người lao động. Chị Nguyễn Thị Út (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) hiện làm công nhân cho một xưởng gỗ ở tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Cuối tháng lãnh lương tuy thu nhập có cao hơn ở quê nhưng sau khi trừ tất cả mọi chi phí thì chẳng dư dả gì nhiều so với một số người bám trụ lại dưới quê làm thuê. Tôi đã bàn bạc với chồng chắc làm thêm đến giữa hoặc cuối năm nay thì về quê luôn, không làm công nhân nữa”.

Có dịp ghé qua các khu, cụm dân cư ven biển, không khó bắt gặp hình ảnh những căn nhà khóa cửa im ỉm, hoặc những gia đình có từ 3 - 5 đứa trẻ cùng người già là ông bà nội, ngoại, khi hỏi ra mới biết, phần đông cha mẹ của chúng đều đã rời quê đi làm ở các thành phố lớn.

Dù tạm yên tâm chuyện gia đình, con cái, nhưng cuộc sống của những người công nhân chưa bao giờ là dễ. Từ sáng sớm họ phải dậy để đi làm đến chiều muộn, có hôm lại phải tăng ca đến tận khuya mới về đến nhà. Bởi nếu chỉ “làm công ăn lương” thì thu nhập mỗi tháng chỉ đủ chi tiêu, muốn có dư để gửi về gia đình, hoặc tích góp thì phải chịu khó tăng ca, làm thêm.

Trước đây, khi điều kiện kinh tế thuận lợi, các công ty, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn đặt hàng nên công nhân thường xuyên được cộng thêm tiền tăng ca, hỗ trợ. Thế nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng tình hình chung của kinh tế thế giới, khu vực nên đơn hằng ngày càng ít dần, nhất là ở những nhóm ngành mà phần đông lao động phổ thông ở nông thôn lên xin vào làm nhiều là dệt may và sản xuất gỗ.

Lao động nông thôn tranh thủ lúc nông nhàn tham gia Nghiệp đoàn Bốc vác để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: C.L

Bám quê, làm giàu

Trong khi nhiều thanh niên và lao động nông thôn bỏ quê lên các tỉnh miền Đông tìm việc làm thì những năm gần đây có rất nhiều người với quyết tâm “bất ly hương” đã ra sức xây dựng cuộc sống ấm no, thậm chí vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương. Anh Trần Bé Lượng (ấp Mặc Đây, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) là một minh chứng. Khi làn sóng dịch chuyển lao động về các tỉnh, thành phố ngày càng cao, lao động địa phương thiếu hụt, nhất là ở những công đoạn trong chăm sóc lúa như: bón phân, phun thuốc, sạ giống… thấy đây là cơ hội để mình có thể kiếm thêm thu nhập, anh Lượng đã bàn với gia đình vay vốn và sử dụng thêm ngân sách gia đình để mua máy bay về làm dịch vụ. Ngoài ra, anh còn liên kết, cung ứng vật tư, tìm đầu ra cho nông dân… Nhờ nhạy bén trong kinh doanh và chịu khó trong công việc mà hiện nay anh Lượng đã có nguồn thu nhập ổn định mà không phải xa quê.

Anh Lượng chia sẻ: “Ở quê mình giờ không thiếu việc làm, nếu chịu khó nhận việc dù là nhỏ nhất cũng có thể trang trải cuộc sống gia đình. Với lại, nếu người trẻ ai cũng đi làm công nhân thì nghề nông sau này sẽ không còn ai nối nghiệp, những kỹ thuật canh tác được các lão nông tích lũy qua nhiều năm cũng có thể dần mai một. Nghĩ vậy, nên tôi quyết ở quê lập nghiệp”. Điều này chứng minh nếu thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, nghị lực và khát vọng vươn lên làm giàu thì họ chính là lực lượng tiên phong trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của quê hương để phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay việc thanh niên được tiếp cận với nguồn vốn chưa nhiều. Chính sách vay vốn còn bị bó hẹp và chưa thật sự cởi mở cả về nguồn vốn và hình thức cho vay. Do đó, cần có phương hướng cụ thể để đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thanh niên, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường, phát triển mô hình mới, ngành nghề mới nhằm nâng cao thu nhập, giúp thanh niên nông thôn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Thực tiễn cho thấy, việc đa dạng hóa sinh kế cho nông dân sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Bởi ngoài giải quyết tốt bài toán “ly nông bất ly hương”, còn tác động trực tiếp đến việc thực hiện tốt các chính sách khác. Cụ thể là ở nhiều địa phương hiện nay, lao động bỏ xứ đi nơi khác kiếm sống cũng đồng nghĩa với việc họ không tham gia thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với địa phương. Thiết nghĩ đã đến lúc ngành quản lý và các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các mô hình tạo sinh kế và việc làm cho lao động nông thôn. Đây chính là giải pháp mang tính nền tảng cho phát triển bền vững khi sản xuất nông nghiệp đến nay vẫn là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.