Chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng: Trách nhiệm thiêng liêng của toàn xã hội!

Thứ Hai, 21/04/2025 | 16:39

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, tỉnh Bạc Liêu có hàng ngàn người vợ, người mẹ nơi hậu phương lặng lẽ tiễn chồng, con lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc rồi mãi mãi không trở về. Ghi khắc, biết ơn sâu sắc trước hy sinh lớn lao của các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), thế hệ hôm nay nguyện chăm sóc, phụng dưỡng giúp các Mẹ sống vui, khỏe hơn để thấy quê hương, đất nước ngày thêm đổi mới và phát triển!

Đoàn cán bộ, lãnh đạo huyện Phước Long đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lê. Ảnh: T.Q

Tự hào Mẹ VNAH

Đã hơn 50 năm kể từ ngày chồng và con trai lần lượt hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lê (ấp Long Thành, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) mỗi ngày chỉ có thể ngắm nhìn chồng và con qua di ảnh. Chồng của Mẹ là ông Võ Văn Nầy (bí danh Năm Thanh), tham gia cách mạng năm 1945 tại Tiểu đoàn 307 và anh dũng hy sinh vào năm 1972. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì một năm sau đó, con trai của mẹ là Võ Văn Rọi cũng đã hy sinh, mãi đến năm 1979 mới tìm được hài cốt mang về an táng.

Bản thân Mẹ Lê cũng tham gia cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Mẹ Lê hoàn thành xuất sắc công tác binh vận và đã vận động được hơn 10 trưởng đồn, Trưởng ấp, 2 cảnh sát tham gia nội tuyến, cung cấp cho cách mạng nhiều thông tin, hoạt động quan trọng. Sau giải phóng, Mẹ tiếp tục công tác tại MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau và Hội LHPN huyện Hồng Dân đến khi về hưu. Những đóng góp, hy sinh thầm lặng của Mẹ, sự thủy chung son sắt với cách mạng chính là vũ khí sắc bén, góp phần đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù.

Gia đình Mẹ VNAH Huỳnh Thị An (hiện ngụ tại khóm 7, Phường 3) xuất thân trong gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi). Năm 1948, Mẹ An lập gia đình với ông Trần Quốc Hải là cán bộ Ban Dân vận tỉnh, sinh được 6 người con. Chồng Mẹ bị địch phục kích và hy sinh trên đường công tác vào năm 1954. Con trai duy nhất của Mẹ là Trần Văn Trung khi 15 tuổi đã tham gia cách mạng, là chiến sĩ du kích ấp Giồng Bướm (xã Châu Thới). Tuy tuổi nhỏ nhưng anh đã xung phong đi gài mìn tiêu diệt không ít tên địch. Trong một trận chống càn ác liệt năm 1968, anh mãi mãi nằm sâu trong lòng đất, không còn dịp trở về gặp Mẹ như lời hẹn.

Cắn răng với nỗi đau mất chồng, mất con, Mẹ mạnh mẽ đứng lên vừa lao động cật lực nuôi con, vừa tranh thủ hoạt động, hết lòng vì cách mạng. Từng bị địch bắt tù đày và tra tấn dã man vào đầu, vết thương ấy (thương binh hạng 4/4) đến nay vẫn thường xuyên hành hạ Mẹ.

Ấm lòng hoạt động chăm lo

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, toàn tỉnh có 2.281 Mẹ VNAH (hiện có 35 Mẹ còn sống). Tri ân những đóng góp to lớn của các Mẹ, những năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, chăm lo đời sống các Mẹ bằng nhiều việc làm cụ thể, như: kịp thời xác lập hồ sơ, đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ VNAH; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng Mẹ suốt đời...

Bên cạnh việc phụng dưỡng hằng tháng, thăm hỏi các ngày lễ, tết… các đơn vị thường xuyên liên lạc với gia đình, người thân và chính quyền địa phương nắm tình hình sức khỏe, đời sống của các Mẹ để thăm hỏi, động viên kịp thời, cùng với gia đình chăm sóc các Mẹ khi đau yếu. Bên cạnh đó, các ban, ngành phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức chương trình “Bữa cơm cùng Mẹ”, khám, chữa bệnh, hoạt động giáo dục truyền thống… để thế hệ trẻ ghi nhớ công lao của thế hệ cha anh đi trước, những hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ kiên cường để bảo vệ độc lập dân tộc.

Nhân kỷ niệm 50 đất nước thống nhất, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các địa phương đã và đang có nhiều hoạt động thăm, tặng quà đối với cá nhân, gia đình nhân chứng lịch sử, tham gia giải phóng Bạc Liêu; Mẹ VNAH, thương binh và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đi qua chiến tranh, cuộc đời mỗi Mẹ VNAH là một câu chuyện, là một hoàn cảnh riêng nhưng có một điểm chung chính là đức hy sinh. Sự hy sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả, thiêng liêng và kiên trung của các Mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau, đời đời ghi ơn và tri ân sâu sắc.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.