Đời sống - Xã hội
Chuyển đổi số, hướng đến nông thôn mới thông minh
Thời gian qua, Bạc Liêu đã triển khai mạnh mẽ các chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số (CĐS) trong NTM hướng đến NTM thông minh, giai đoạn 2021 - 2025.
Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ số cho các hợp tác xã. Ảnh: M.Đ
Thực hiện Đề án “Phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số”, tỉnh đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng số và CĐS trong nông nghiệp - nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường đường truyền Internet, phát sóng 3G, 4G và nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các thiết bị thông minh…
Nhằm mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào nông thôn để nâng cao hiệu quả xây dựng NTM, thúc đẩy kinh tế nông thôn và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 110. Theo nội dung Kế hoạch 110, mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ các xã trong tỉnh đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở thông qua ứng dụng CNTT, đến nay, 100% số xã đã có hệ thống Đài truyền thanh và loa phát thanh hoạt động thường xuyên, với độ phủ sóng đạt khoảng 70%. Ứng dụng CNTT trong dịch vụ hành chính công, tỉnh đã triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, cung cấp 1.117 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp 1.201 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia... Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 576 tổ công nghệ số cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân nông thôn trong việc tiếp cận thông tin và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ. Đồng thời tổ chức tập huấn CĐS cho hơn 490 học viên là lãnh đạo và công chức cấp xã.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai CĐS trong xây dựng NTM vẫn còn gặp phải một số khó khăn và hạn chế như: việc triển khai mô hình ấp NTM thông minh còn mới mẻ, ít địa phương thực hiện, dẫn đến những lúng túng trong thực hiện. Hơn nữa, mô hình này yêu cầu nguồn kinh phí lớn, gây khó khăn trong việc nhân rộng; trình độ sử dụng CNTT của người dân còn hạn chế. Một bộ phận người dân nông thôn chưa quen sử dụng các thiết bị công nghệ - điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các tiêu chí về thông tin và truyền thông trong chương trình xây dựng NTM. Mặt khác, chương trình CĐS đòi hỏi nguồn lực lớn, song kinh phí hiện tại dành cho việc phát triển thông tin và truyền thông trong nông thôn vẫn còn hạn chế, khiến việc thực hiện gặp khó khăn.
Để công tác CĐS và xây dựng NTM trong thời gian tới đạt được nhiều kết quả tích cực hơn, thiết nghĩ, cần sớm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành mục tiêu phát triển NTM thông minh vào năm 2025…
Nguyễn Minh