Đời sống - Xã hội
Cư dân ven biển: Canh cánh nỗi lo khi mùa mưa bão về
Khi những cơn mưa to, gió lớn bắt đầu xuất hiện với mật độ ngày một dày hơn cũng là lúc những cư dân ven biển sống trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp lại thêm oằn nặng nỗi lo dông lốc, sạt lở và triều cường dâng có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Ông Đặng Tấn Dũng che chắn lại mái nhà bị dột. Ảnh: T.Q
Nguy hiểm chực chờ
Hơn một tuần nay, sau những trận mưa, dông, căn nhà cũ kỹ của ông Đặng Tấn Dũng (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) lại thêm phần nghiêng ngả, dột nát, dù trước khi mùa mưa bắt đầu, vợ chồng ông đã tranh thủ chằng chống, gia cố. Ông Dũng cho biết: “Vợ chồng tôi không có đất sản xuất, hàng ngày tôi đi giăng lưới bắt cá, đẻn…, vợ tôi thì nuôi được mấy con gà, vịt thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu, do đó dù nhà đã xuống cấp nhưng không có điều kiện sửa chữa. Mấy ngày nay trời mưa liên miên kèm gió mạnh, vợ chồng tôi không dám ngủ vì sợ nhà sập”.
Ven cửa biển Cái Cùng (ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) có hơn 40 nóc gia, đa phần đều là nhà tạm bợ, người dân nớm nớp sợ lo sập nhà mỗi khi mùa mưa bão đến. Anh Huỳnh Nhớ (một hộ dân sống tại cửa biển Cái Cùng), cho biết: “Những người sống dựa vào lộc biển ven bờ chúng tôi lo cái ăn còn cực chứ đừng nói chi tới chuyện cất nhà kiên cố. Đó là chưa kể tình trạng sạt lở ngày một lấn sâu vào đất liền, áp sát khu dân cư khiến chúng tôi không lúc nào ăn ngủ yên giấc. Mấy ngày nay, mưa kéo dài kèm nhiều đợt dông lốc khiến nhà tôi bị nghiêng, tốc mái, không có tiền sửa chữa nên tôi dùng tạm cây lá tạp để chằng chống, lợp lại mái nhà, cố gắng vượt qua mùa mưa năm nay”.
Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là mỗi mùa mưa bão đến thường xảy ra tình trạng dông lốc cục bộ gây đổ sập nhà cửa và đáng lo hơn là tình trạng triều cường dâng, sạt lở cửa biển luôn chực chờ đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.
Những căn nhà tạm bợ của người dân sống ở Mương Bốn (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình).
Cần đẩy nhanh các chính sách an cư lạc nghiệp
Nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra với cư dân sống ven biển, mỗi năm các địa phương đều có xây dựng kế hoạch, phương án theo từng cấp độ rủi ro của từng loại thiên tai, xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, trường học, các cơ sở hạ tầng khác để tập trung dân sơ tán tránh trú bão; hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh đã và đang gấp rút thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư tái định cư cho gần 900 hộ đang sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh, ngoài đê biển Đông, trong thảm rừng phòng hộ ở TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. Đến nay, đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng 3 trong 8 khu tái định cư thuộc giai đoạn 1, các khu này bảo đảm đủ điều kiện để tiếp nhận, bố trí các hộ dân từ khu vực rừng phòng hộ vào sinh sống.
Các dự án di dân đã có, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngoài chuyện an cư thì còn một vấn đề quan trọng hơn đó là lạc nghiệp. Do đa phần cư dân sống trong rừng phòng hộ chủ yếu gắn bó với nghề biển nên cũng gây nhiều khó khăn cho địa phương trong việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho họ bằng biện pháp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn... Thế nhưng, chỉ có một số ít hộ chịu chuyển nghề, còn lại đa phần là chấp nhận cuộc sống rủi may nhờ nguồn lợi từ biển. Đó là chưa kể đến một số hộ ý thức kém, còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền, không chịu khó lao động trở thành gánh nặng cho địa phương.
Người dân sống trong những căn nhà tạm bợ ở cửa biển Cái Cùng (ấp cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải).
Để có thể giúp những cư dân sống trong rừng phòng hộ được an cư, lạc nghiệp, thiết nghĩ, ngoài việc sớm đẩy nhanh thực hiện các dự án tái định cư thì các cấp chính quyền cần nhanh chóng hỗ trợ họ sửa chữa lại những căn nhà xuống cấp nhiều, hỗ trợ dân thực hiện các mô hình sinh kế để họ có thu nhập ổn định trong những ngày mưa bão… và nhất là phải đảm bảo sinh kế sau di dời!
Minh Luân
- Gần 300 học sinh, sinh viên tham gia hội thao chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên
- Huyện Hòa Bình: Gần 750 thí sinh thi học sinh giỏi lớp 9 và viết chữ đẹp cấp tiểu học
- Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5
- Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng kiểm tra công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Vĩnh Lợi
- Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới