Đời sống - Xã hội
Cùng nhìn lại Công ước quốc tế về quyền phụ nữ
Công ước quốc tế về quyền phụ nữ (viết tắt là CEDAW) là công ước Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Đây là công ước quốc tế đầu tiên và duy nhất về quyền phụ nữ được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1979 và có hiệu lực từ tháng 9/1981. Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của công ước năm 1982. Sau hơn 30 năm thực hiện CEDAW, một nhận định đưa ra đáng để băn khoăn là ở nước ta hiện nay, việc phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn tồn tại!
![]() |
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kỳ, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của Quốc hội trình bày tổng quan về Công ước CEDAW cho cán bộ làm công tác BĐG ở các ban ngành, địa phương của tỉnh. Ảnh: C.T |
CEDAW là công ước về quyền phụ nữ không chỉ ở khía cạnh dân sự và chính trị mà còn về kinh tế, xã hội, văn hóa và gia đình; nhằm ngăn chặn sự phân biệt đối xử với phụ nữ và thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ.
Theo đó, CEDAW bảo vệ các quyền của phụ nữ, bao gồm: quyền được giáo dục; quyền được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ; quyền được vay tiền ngân hàng và tham gia các hình thức tín dụng khác; quyền được tham gia vào các hoạt động giải trí, thể thao và các mặt của đời sống văn hóa; quyền được quyết định số con và khoảng cách giữa các con; quyền được chia sẻ nghĩa vụ làm cha mẹ; quyền được hưởng các cơ hội làm việc như nhau cũng như những phúc lợi xã hội và quyền được thù lao như nhau trên cơ sở thành quả làm việc; quyền được bảo vệ trước mọi hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, cảm xúc, tinh thần và kinh tế; quyền được tham gia bầu cử, ứng cử và tham gia những chức vụ trong bộ máy Nhà nước; quyền được đại diện chính phủ của họ ở cấp quốc tế; quyền được nhận, thay đổi hay giữ nguyên quốc tịch.
Như vậy, mục đích của CEDAW là mang lại quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ. Nghĩa là các quyền phải mang lại những kết quả thực tế chứ không phải chỉ mang tính lý thuyết. CEDAW ngăn chặn các hành vi và chính sách gây bất lợi cho phụ nữ trên mọi phương diện. CEDAW buộc các quốc gia thành viên không chỉ ngăn chặn những xâm phạm quyền phụ nữ bởi các cơ quan Nhà nước mà còn bởi các tổ chức và cá nhân khác.
Nhìn lại việc thực thi CEDAW
Sau hơn 30 năm thực hiện CEDAW, nhìn lại thực tế mới thấy đáng để chúng ta trăn trở về việc bảo vệ quyền của phụ nữ cũng như vấn đề bình đẳng giới (BĐG) ở Việt Nam. Cần phải có cái nhìn tổng thể bức tranh này để từng địa phương, ngành chức năng ở mỗi địa phương có những chiến lược, chính sách phù hợp để thực thi CEDAW đúng với tinh thần công ước đã nêu.
Định kiến giới, phong tục tập quán hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn phân biệt đối xử với người phụ nữ; có sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn, các tầng lớp xã hội và giữa phụ nữ với nhau; việc nghiên cứu giới chưa được sử dụng nhiều vào lập chính sách ở các địa phương… Vì lẽ đó, sau hơn 30 năm thực hiện CEDAW, phụ nữ tiếp tục bị phân biệt đối xử! Nguyên nhân là do những rào cản phong tục, tập quán, định kiến giới; thiếu nhận thức đầy đủ về quyền và thiếu cả tiếng nói của phụ nữ ở cấp quyết định chính sách, pháp luật; thiếu đầu tư, nguồn nhân lực. Xét ở khía cạnh sâu xa hơn, trở ngại lớn nhất về mặt tư tưởng và nhận thức đó là tư tưởng gia trưởng, trọng nam hơn nữ và định kiến giới; thái độ an phận, tự ti của nữ giới; cán bộ nữ thường bị đánh giá khắt khe hơn và vượt ra ngoài công việc chuyên môn.
Ở nhiều địa phương, Luật BĐG, Nghị quyết 11/BCT chậm đi vào cuộc sống; thiếu chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ, các chế độ khuyến khích cho nữ chưa có các biện pháp bảo đảm và thúc đẩy BĐG trong chính trị; thiếu trách nhiệm giải trình khi ngành, địa phương không có nữ lãnh đạo chủ chốt, không đạt chỉ tiêu; việc thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật BĐG trong lĩnh vực chính trị chưa tiến hành… Hiệp ước CEDAW sau hơn 30 năm vẫn còn tồn tại những hạn chế đáng trăn trở như thế!
Với tiêu chí xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, tạo điều kiện quan trọng để phụ nữ có cơ hội bình đẳng và phát triển đầy đủ, tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động, CEDAW là một trong những điều ước quốc tế về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất. Tuân thủ các nguyên tắc của CEDAW chính là thiết lập lại BĐG một cách đúng chuẩn mực, xây dựng một chương trình hành động nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quyền bình đẳng của người phụ nữ trong xã hội. Vì lẽ đó, thiết nghĩ, tất cả các quốc gia thành viên cho đến các ngành, địa phương cần phải quan tâm thực hiện đúng tinh thần công ước.
Phan Anh
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)
- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình đến Bạc Liêu dự mít-tinh kỷ niệm Ngày 30/4
- Lãnh đạo Tỉnh ủy kiểm tra các hạng mục khánh thành Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu
- Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 - năm 2025
- Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới biển
- Thẩm định khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất